Được đánh giá là có lợi thế lớn nhờ sở hữu “rừng vàng, biển bạc”, Việt Nam vẫn còn nhiều lĩnh vực khác có thể giúp mang đến doanh thu cho người bán và đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải chung cho nền kinh tế. Trong lộ trình giảm phát thải ròng về mức 0 (Net Zero) đến năm 2050, nguồn tài chính bền vững cho quá trình này không chỉ đến từ khu vực công – tư mà còn đến từ thị trường tín chỉ carbon.
TS. Nguyễn Quốc Trung – Trung tâm Bảo vệ Môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu, đồng thời cũng là nhà sáng lập Trung tâm này, ông đã chia sẻ với phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) về những lợi thế khi tham gia thị trường tín chỉ carbon và đưa quan điểm của mình cùng các doanh nghiệp Việt.
PV: Tiềm năng không chỉ có “rừng vàng, biển bạc” Việt Nam vẫn còn nhiều lĩnh vực khác có thể giúp mang đến doanh thu cho người bán và đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải chung cho nền kinh tế. Xin ông chia sẻ rõ hơn về thông tin này?
TS. Nguyễn Quốc Trung: Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng lớn về carbon rừng với tổng diện tích rừng khoảng 14,7 triệu ha, độ che phủ rừng 42%. Ước tính con số hấp thụ carbon bình quân mỗi năm là khoảng 69,8 triệu tấn CO2. Tuy nhiên, tiềm năng về rừng chưa đánh giá hết tổng thể nền kinh tế. Một lĩnh vực điển hình cần nhắc đến trong lĩnh vực tín chỉ carbon lại là nông nghiệp, lĩnh vực sản xuất có thế mạnh của Việt Nam.
Theo báo cáo “Hướng tới chuyển đổi nông nghiệp xanh ở Việt Nam: chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp” của World Bank, nông nghiệp là lĩnh vực phát thải cao thứ hai (chiếm 19% tổng lượng phát thải năm 2020), trong đó khoảng 48% lượng khí thải của ngành nông nghiệp và 75% lượng khí mê-tan đến từ lúa gạo. Trong khi đó, việc áp dụng phương án canh tác carbon thấp hơn như 1M5R (phải sử dụng giống được chứng nhận; 5 Giảm gồm giảm tỷ lệ sử dụng giống, phân bón, thuốc trừ sâu, nước và thất thoát hậu thu hoạch) ước tính sẽ giúp giảm lượng phát thải khí nhà kính khoảng 26,6% vào vụ đông xuân và 29,9% vào vụ hè thu.
Nhưng chi phí cho việc chuyển đổi là cao cũng như đòi hỏi thời gian dài. Giá trị của thị trường carbon toàn cầu đạt gần 280 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020, nhưng các dự án phát thải liên quan đến nông nghiệp chỉ chiếm 1% tổng số tín chỉ carbon được cấp. Do đó, cũng theo báo cáo này, vai trò của thị trường carbon sẽ đóng góp rất quan trọng, đặc biệt nếu có sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân. Hiện nay, chính phủ Việt Nam có đề án xây dựng 1 triệu ha lúa chuyên canh phát triển bền vững tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, trong đó có mục tiêu “đóng gói” thành tín chỉ carbon. Một tập đoàn tư nhân là Lộc Trời cũng đang phát triển dự án sản xuất lúa carbon thấp nhằm hướng đến mục tiêu này.
Có rất nhiều dự án có thể thấy ngay về lợi ích giảm phát thải khí nhà kính, chẳng hạn như năng lượng tái tạo thay thế cho nhiệt điện, xe điện thay xe động cơ đốt trong, hay lĩnh vực xử lý rác thải.
PV: Việt Nam đã sản xuất được tín chỉ carbon và có giao dịch mua bán, nhưng mới đạt ở mức độ nào thưa ông?
TS. Nguyễn Quốc Trung: Việt Nam có nguồn lợi lớn về tín chỉ carbon. Diện tích rừng phong phú và đa dạng có thể quy đổi sang tín chỉ carbon. Nếu biết khai thác hiệu quả, sẽ có nguồn kinh phí lớn để nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, đồng thời, góp phần không nhỏ bảo vệ và phát triển rừng tại Việt Nam.
Mới đây, Ngân hàng thế giới đã tài trợ Việt Nam số tiền hàng chục triệu USD để kiểm kê tín chỉ carbon. Trong đó, Ngân hàng Thế giới chỉ giữ 5% lượng tín chỉ, còn lại sẽ dành cho Việt Nam. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất điện gió, điện mặt trời có thể tạo ra những tín chỉ carbon có thể trao đổi và mua bán.
PV: Hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam không biết mua tín chỉ carbon ở đâu và giao dịch bằng hình thức nào. Cơ chế hành lang pháp lý nước ta hiện nay như thế nào, thưa ông?
TS. Nguyễn Quốc Trung: Việt Nam đang triển khai ngày càng rõ rệt lộ trình phát triển thị trường tín chỉ carbon và giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Hiện nay có năm lĩnh vực liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính gồm: năng lượng, giao thông, lâm nghiệp, môi trường và xây dựng.
Tuy nhiên, mới chỉ có duy nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra được Thông tư số 17/2021/TT-BTNMT hướng dẫn Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết việc giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozon và phát triển thị trường carbon.
Trên thực tế, việc giao dịch tín chỉ carbon ở Việt Nam đã diễn ra từ những năm 2012 theo quy định của quốc tế. Hiện nay, thị trường carbon đã bắt đầu sôi động, các cá nhân, tổ chức nhận biết được thời cơ, cơ hội và đã tìm đến những đơn vị uy tín để tư vấn, mua bán carbon.
Nghị định 06 ban hành ngày 07/1/2022 đã đưa ra lộ trình rất cụ thể để Việt Nam đạt net zero vào năm 2050. Trong đó, 2023 là năm các doanh nghiệp nằm trong quyết định 01 ban hành ngày 18/1/2022 phải báo cáo số liệu cho cơ quan quản lý nhà nước, năm 2024 sẽ tiến hành thẩm định số liệu và 2025 sẽ thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon. Đây là lúc Việt Nam hoàn thành có chế, chính sách để mọi người tham gia thị trường carbon.
Từ tháng 10/2023, Liên minh Châu Âu EU áp hàng rào liên quan đến thuế carbon. Nếu doanh nghiệp không bù trừ carbon, sản phẩm không xuất khẩu được vào Châu Âu. Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam đã bắt nhịp được với thị trường giao dịch carbon quốc tế chưa?
Đối với Net Zero, nhiều doanh nghiệp nhận thức sớm đã chuẩn bị “hành trang” hơn chục năm nay. Nhưng về tín chỉ carbon thì đa phần doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nắm bắt được cơ hội, chưa tiếp nhận được những thông tin cần thiết. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp còn không biết mình nằm trong quyết định phải kiểm kê khí nhà kính, không nhận thức được cần phải làm gì.
PV: Vậy bằng cách nào doanh nghiệp Việt Nam bắt kịp xu thế giảm phát thải khí nhà kính, thưa ông?
TS. Nguyễn Quốc Trung: Doanh nghiệp có thể giải quyết phát thải ra môi trường bằng cách kêu gọi đầu tư để nâng cấp dây chuyền, cải tiến công nghệ. Nếu doanh nghiệp không chuyển mình, sử dụng máy móc cũ sẽ tốn nhiều nhiên liệu và gây ô nhiễm môi trường.
Để thuận lợi xuất khẩu hàng hoá sang thị trường quốc tế, các doanh nghiệp phải tiến hành kiểm kê khí phát thải nhà kính. Căn cứ vào quy định của Nhà nước để biết doanh nghiệp đang cần phải bù trừ ra sao?
Doanh nghiệp thừa số lượng so với Nhà nước cấp thì có thể để cho năm sau hoặc giao dịch để thu lợi nhuận. Nếu doanh nghiệp đang còn thiếu thì phải mua tín chỉ carbon hoặc cải thiện công nghệ. Doanh nghiệp biết cách nắm bắt cơ hội để cải tiến thì có thể thu được lợi nhuận khổng lồ từ giao dịch tín chỉ carbon.
PV: Không chỉ phải xây dựng chính sách, cơ chế vận hành, Việt Nam cần xây dựng những cơ sở vật chất như thế nào để đảm bảo cho quá trình giám sát, đo lường quá trình phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp thưa ông?
TS. Nguyễn Quốc Trung: Để hình thành và phát triển thị trường carbon ở Việt Nam, cần xây dựng, ban hành hệ thống kiểm kê khí nhà kính, hệ thống giám sát phát thải khí nhà kính… một cách minh bạch, chính xác theo tiêu chuẩn quốc tế.
Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm kê phát thải nhà kính. Việt Nam thiếu trầm trọng các đơn vị đủ chức năng, tiêu chuẩn để tiến hành kiểm kê và thẩm định lượng phát thải kính. Rất nhiều đơn vị muốn thực hiện nhưng không đạt được tiêu chuẩn. Kiểm kê khí nhà kính phải dựa trên sự công nhận của quốc tế nên các đơn vị phải có đủ đội ngũ chuyên gia để thành lập được hội đồng để thẩm định.
Quá trình Việt Nam tiến gần đến với thị trường tín chỉ carbon còn gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nhập cuộc để không bị thị trường quốc tế bỏ lại phía sau.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Diệp Anh – Tạp chí TN&MT