Biến đổi khí hậu

10$/tín chỉ carbon là thấp hay cao?

quanly
2024/03/18 - 9:27:07

Kiếm tiền từ việc bán tín chỉ carbon rừng trên thực tế không hề đơn giản.

Không chỉ đơn thuần là giao dịch mua bán

Tại hội đàm chủ đề “Thị trường tài chính Carbon: Cơ hội và Thách thức cho ngành gỗ Việt Nam” do HAWA Việt Nam tổ chức ngày 07/03/2024 tại TPHCM, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo thống kê của WB, cuối năm 2022, thị trường carbon toàn cầu có quy mô khoảng 92 tỷ USD và đang tăng với tốc độ rất nhanh.

Trong khi tại Việt Nam, quy mô thị trường hiện khoảng 2 tỷ USD và tín chỉ carbon đang chủ yếu được bán trên cơ sở chương trình REDD+ (một chương trình quốc tế về giảm khí thải do phá rừng và suy thoái rừng).

Theo ông Thọ, đối với chương trình này, trên thế giới đang giao dịch chỉ từ 1.6 – 8.9 USD/tín chỉ carbon. Do đó, Việt Nam vừa qua bán 5 USD là mức giá trung bình, không phải thấp.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ (giữa) và TS Vũ Tấn Phương (thứ hai từ trái sang) tại buổi hội đàm. Nguồn: BTC

Giải thích về mức giá này, ông Thọ cho biết là nhờ sự hỗ trợ từ phía WB. Chi phí này thực tế tương đương với chi phí thực hiện thẩm định theo tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế, rơi vào tầm khoảng từ 3 – 6 USD, nên để kiếm tiền từ việc bán tín chỉ carbon rừng trên thực tế không hề đơn giản.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Vũ Tấn Phương – Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (VFCO), Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho rằng đối với chương trình Bắc Trung bộ, đây không phải chỉ là mua bán thuần túy.

“Chúng ta chuyển nhượng cho quỹ carbon do WB quản lý, chỉ với 5 USD/tín chỉ nhưng toàn bộ đầu tư từ xây dựng dự án cho đến lúc thẩm định dự án và ra kết quả bán là tiền của WB”, ông Phương nói.

Quyền carbon trong quỹ carbon chỉ là 5% trên 10.3 triệu tấn và số còn lại vẫn thuộc về Việt Nam. Số lượng đó được coi là đóng góp của Việt Nam đối với mục tiêu giảm phát thải của quốc gia. Nếu chỉ là mua bán thuần túy, thì quyền carbon đó sẽ tính hoàn toàn cho bên mua, như vậy thì giá trị chuyển nhượng khi đó có thể lên đến 100 USD/tín chỉ.

Chia sẻ thêm, ông Phương cho rằng lâm nghiệp là ngành đặc thù và Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ, phục hồi cũng như phát triển rừng, đồng thời đã nâng độ che phủ rừng từ 28% năm 1995 lên khoảng 42% hiện nay, tức khoảng 14.7 triệu ha, trong đó 10.1 triệu ha rừng tự nhiên, còn lại gần 5 triệu ha rừng trồng.

Dù vậy, ngành lâm nghiệp phải chịu rất nhiều rủi ro, ví dụ cháy rừng, là những yếu tố nằm ngoài khả năng kiểm soát nên kể cả tạo ra được tín chỉ carbon thì tính bền vững, tính ổn định trong ngành này sẽ không cao so với các ngành khác. Ví dụ, ở ngành công nghiệp hay năng lượng, nếu thay đổi công nghệ từ phát thải cao xuống phát thải thấp thì gần như việc giảm phát thải được tạo ra vĩnh viễn.

“Không phải tỉnh dậy là có ngay ngàn tỷ”

Theo ông Thọ, trong khung quy định chung toàn cầu khẳng định phải cải thiện tình hình hấp thụ carbon trên thế giới thì mới có thể lấy được tín chỉ carbon. Và nếu việc này được làm từ năm 1995 khi diện tích che phủ rừng còn thấp, cùng thực hiện quy trình ngay từ đầu thì giá trị tín chỉ carbon đó sẽ là rất lớn.

Nhưng vì không làm nên bây giờ chỉ có thể thu tín chỉ carbon bằng cách cải thiện khả năng hấp thụ so với mức hiện tại. Ví dụ, rừng hiện nay đang hấp thụ 1,000 tấn carbon, nếu cải thiện khả năng hấp thụ lên 1,050 tấn carbon thì chỉ được tính 50 tín chỉ carbon.

Chính vì vậy, cả vùng Bắc Trung bộ đang có khoảng 15 triệu tấn CO2, hiện nay đã chuyển nhượng 10.3 triệu đơn vị và còn hơn 5 triệu đơn vị, tuy không đáng kể nếu so với cả một diện tích rừng lớn nhưng lại là bước đầu tiên để biết rằng rừng có giá trị nếu như được quản lý, khai thác tốt thì có thể bán được giá cao.

“Nên phải hiểu rõ rừng của chúng ta thực sự có giá trị nhưng không phải tỉnh dậy là có ngàn tỷ, mà phải thực hiện quy trình để bảo vệ rừng bao gồm cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc, cả đời sống người kiểm lâm bảo vệ, bảo tồn rừng; cả yêu cầu về kinh tế, về môi trường, văn hóa xã hội thì chất lượng tín chỉ carbon mới cao. Do đó phải đáp ứng 2 yêu cầu, thứ nhất là bền vững và thứ hai là cùng nhau hưởng lợi từ việc hấp thụ và lưu trữ carbon”, ông Thọ chia sẻ.

Cần làm gì để có được tín chỉ carbon chất lượng?

Để có được tín chỉ carbon chất lượng với giá cao, không chỉ liên quan đến thị trường rừng mà còn liên quan đến quản lý và phát triển rừng bền vững. Hiện nay, tỷ trọng trồng rừng mới và khôi phục rừng chỉ chiếm 4% giá trị thị trường carbon toàn cầu, bảo vệ bảo tồn chiếm 8%, còn lại 88% là cải thiện và nâng cao chất lượng rừng, bao gồm cả việc giảm lượng thuốc trừ sâu sử dụng và tăng bảo vệ để chống các loài xâm hại, phá rừng.

Điều này đòi hỏi cần thực hiện một quá trình chặt chẽ, từ nghiên cứu khả thi dự án cho đến kiểm kê lượng phát thải carbon hiện tại, rồi cải thiện và nâng cao chất lượng hấp thụ carbon, tiếp tục giám sát và báo cáo, cuối cùng thực hiện việc xác nhận tín chỉ carbon theo đúng tiêu chuẩn toàn cầu.

Thêm vào đó, để nâng chất lượng tín chỉ carbon, không chỉ đơn thuần làm tăng khả năng hấp thụ, mà còn cần cải thiện điều kiện làm việc của những người thực hiện công tác bảo tồn, bảo vệ; liên quan đến các tiêu chí về kinh tế, xã hội và môi trường bền vững.

Quản lý rừng bền vững tạo ra tín chỉ carbon chất lượng. Nguồn: gef.monre.gov.vn

Và tất nhiên, tín chỉ carbon càng chất lượng thì giá càng cao. Trên thế giới, ví dụ ở châu Âu có thể được bán tới từ 120 – 150 USD/tín chỉ trên thị trường tự nguyện, trên các thị trường khác có thể bán từ 70 – 100 USD.

“Nếu không làm từ đầu thì không có một tín chỉ carbon nào để bán. Điều này đã được minh chứng số tiền khoảng 51.5 triệu USD chúng ta vừa thu được từ những tín chỉ carbon đầu tiên nhờ sự hỗ trợ của WB, từ quá trình xây dựng nghiên cứu khả thi cho đến việc thẩm định và xác nhận”, ông Thọ làm rõ.

Bổ sung thêm, vị Viện trưởng cho biết, đối với quy định rừng trồng, các tổ chức trên thế giới yêu cầu trồng ở nơi 50 năm trước chưa có rừng, thì rừng trồng mới trên diện tích đó mới được tính tín chỉ carbon.

“Tất cả dự án nếu như được thực hiện từ đầu và có quy trình cụ thể theo đúng tiêu chuẩn thì mới bán được tín chỉ carbon”, ông Thọ chốt lại.

Comments