Thị trường các-bon

Giá trị nào cho tín chỉ các-bon trong tương lai?

quanly
2023/03/11 - 11:20:19

Hiện nay, việc trao đổi quyền sở hữu, mua bán tín chỉ các-bon ở Việt Nam đã có dấu hiệu tăng trở lại. Tuy nhiên, do chưa có các quy định cụ thể nên hầu hết các hoạt động mua bán, trao đổi đều thực hiện tự phát theo nhu cầu của bên mua là các tổ chức quốc tế. Mức giá cho tín chỉ các-bon cũng khác nhau phụ thuộc theo tín chỉ các-bon đó được đăng ký theo cơ chế, tổ chức thẩm định nào. Điều này tuy chưa phản ánh đúng bản chất thị trường nhưng cũng là cơ hội cho các bên muốn tham gia thị trường các-bon trong thời gian tới.

Ông Phạm Việt Biên Cương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu (CEPVN), đã có thời gian triển khai các hoạt động kiểm kê khí nhà kính tại Nhật Bản cho biết các hoạt động về giảm phát thải khí nhà kính của Nhật được triển khai từ rất lâu với nhiều quy định nghiêm ngặt. Ngoài việc triển khai trong nước, Nhật Bản còn hợp tác song phương với nhiều quốc gia đang phát triển tại châu Á, trong đó có Việt Nam để thực hiện cơ chế JCM (Cơ chế tín chỉ chung của Nhật). Mục đích là để thêm lượng tín chỉ các-bon với mức giá phù hợp để bù trừ trao đổi cho các cam kết của Nhật về mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Đó là tầm nhìn dài hạn, chiến lược của các quốc gia phát triển như Nhật Bản và điều này đối với Việt Nam chúng ta cũng sẽ phải lưu ý để học hỏi kinh nghiệm và xây dựng mục tiêu, kế hoạch một cách thống nhất, đồng bộ và theo lộ trình xác định.

Giá tín chỉ của Việt Nam hiện ở mức nào?

Giá tín chỉ của Cơ chế phát triển sạch (CDM) là CER hiện vẫn ở mức thấp so với thời kỳ “bùng nổ” các dự án CDM (giá tại thời điểm cao nhất lên tới 25$/ tCO2e). Hiện nay các tín chỉ được sinh ra từ các dự án CDM (cơ chế CDM đã hết hạn đăng ký từ 31/12/2020) gần như không có giao dịch. Nhiều dự án CDM cũ không tiếp tục xin cấp chứng nhận, hoặc tìm cách chuyển đổi theo những cơ chế hiện hành. Những tổ chức, cơ sở muốn thực hiện trao đổi, sở hữu các tín chỉ này đang quan ngại về “mức độ rủi ro của thị trường” và nếu thực hiện thì mấy thêm một khoản khá cao chi phí chuyển nhượng, trao đổi, đôi khi hơn cả doanh thu có thể nhận về.

Mức giá tín chỉ theo các cơ chế tự nguyện trong các ngành cũng khác nhau, dao động lớn. Ngành chăn nuôi của Việt Nam đã từng bán tín chỉ ở mức 3USD/tấn CO2. Dự án REDD+ tại 6 tỉnh bắc Trung Bộ bán cho Ngân hàng thế giới ở mức 5-6USD. Cũng có dự án bảo vệ rừng, tạo được sinh kế cho người dân và tăng đa dạng sinh học thì bán ở mức 17USD/ tín chỉ. Trong ngành năng lượng, một số dự án điện mặt trời bán, điện gió… trao đổi các chứng chỉ REC, I-REC ở mức từ 0,5 – 2 USD/ chứng chỉ (Chứng chỉ về năng lượng tái tạo)

Nguyên nhân là do các ngành khác nhau có các động lực và cơ cấu giá khác nhau, cũng như vị thế của người bán và người mua khác nhau. Việt Nam đang có vị thế tốt về diện tích rừng nguyên sinh và những khoảng rừng hấp thụ CO2 (tín chỉ các-bon rừng) và có nguồn tín chỉ các-bon giá đang tương đối thấp so với thế giới.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp coi đây là nguồn thu tăng thêm bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh chính, chứ chưa ý thức và hiểu bản chất cụ thể về giá trị tín chỉ và xu hướng phát triển thị trường các-bon trong tương lai.

Tesla – Bài học lợi nhuận thu được từ kinh doanh tín chỉ giảm phát thải!

Tại Mỹ và châu Âu đã đưa ra những điều luật khắt khe về lộ trình bán xe không khí thải – hay xe điện được đặt ra đã khiến nhiều hãng sản xuất xe truyền thống gặp khó khăn. Trong bối cảnh ấy, Tesla là người hưởng lợi khi hãng xe điện này có thể bán lại cho những công ty sản xuất ô tô khác “tín chỉ” carbon của mình. Các nhà sản xuất ô tô truyền thống hoặc chưa bán ra những chiếc xe này, hoặc chỉ bán được một số lượng ít ỏi sẽ buộc phải mua “tín chỉ” từ một công ty khác tuân thủ các điều kiện từ chính quyền nếu không muốn chịu phạt một khoản tiền rất lớn.

Theo trang CNN Business, 11 tiểu bang của Mỹ yêu cầu các hãng sản xuất ô tô đến năm phải đạt một tỷ lệ nhất định trong doanh số là xe có mức phát thải bằng 0. Nếu không làm được việc đó, các hãng xe sẽ phải mua tín dụng carbon (carbon credit) từ những hãng đáp ứng vượt mức quy định đề ra, chẳng hạn như Tesla – công ty chỉ bán xe chạy điện. Điều này mở ra một mảng kinh doanh béo bở cho Tesla. Hãng đã thu về 3,3 tỷ USD từ bán tín dụng carbon trong 5 năm qua, trong đó mức thu của riêng năm 2020 đạt gần một nửa. Số tiền 1,6 tỷ USD mà Tesla có được nhờ bán tín dụng carbon trong năm ngoái vượt xa khoản lãi ròng 721 triệu USD.

Do vậy, Tesla đã dễ dàng mang về tới hàng tỷ USD thông qua các hoạt động nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh các dòng xe điện và phát triển năng lượng sạch của mình.

Vậy ngoài mục đích kinh doanh xe tại thị trường này, VinFast còn nhắm tới nguồn thu từ việc kinh doanh tín chỉ các-bon? (Giá các-bon tại thị trường Mỹ đang dao động 30$/tCO2e)

 Khi VinFast vào Mỹ, Tesla lãi vài tỷ đô nhờ một loại tem phiếu mà chẳng cần bán chiếc xe nào - chuyện gì đang diễn ra? - Ảnh 7.

MUA BÁN TÍN CHỈ CÁC-BON CÓ LỢI HAY GÂY HẠI?

Chẳng hạn: nếu trao đổi như vậy thì lượng khí phát thải ra đâu có giảm, khi người này phát thải ra thì có người khác ‘nhận hộ’? Suy nghĩ này hoàn toàn đúng, nhưng chỉ đúng trong một thời gian nhất định. Cần nhớ rằng số tín chỉ các-bon hoặc hạn ngạch phát thải mà các nhà sản xuất được nhận sẽ giảm định kỳ. Suy ra là lượng khí phát thải trung bình sẽ giảm qua từng mốc thời gian trên lộ trình của quốc gia đó.

Hay liệu rằng, cách ‘bảo vệ môi trường’ này có đang bị các bên trục lợi, mang màu sắc của thương mại không, và liệu rằng chúng ta nên phản đối cách này? Để trả lời, xin được khẳng định rằng việc mua bán hay trao đổi tín chỉ các-bon là một việc được chính phủ và quốc tế công nhận, và cách làm này không có hại, thậm chí lại mang tới rất nhiều lợi ích.

Tại châu Âu thì việc mua bán phát thải khí các-bon đã diễn ra tới 15 năm. Việc mua bán này cũng giống như cách các hãng xe ô tô làm, đó là doanh nghiệp nào phát thải nhiều hơn mức quy định thì sẽ phải đi mua lại tín chỉ từ các doanh nghiệp còn thừa, hoặc mua tín chỉ từ những nơi khác, ví dụ như mua tín chỉ các-bon của một nơi trồng rừng.

Việc ngày càng siết chặt hạn mức xả thải sẽ mang tới ảnh hưởng ở cả phía doanh nghiệp phát thải lẫn nơi tiếp nhận các-bon.

Về phía doanh nghiệp, họ sẽ buộc phải đổi mới, cải tiến máy móc để lượng phát thải là thấp nhất. Điều này trực tiếp thúc đẩy phát triển công nghiệp tới mức độ cao hơn với việc bảo vệ môi trường.

Chính sách năng lượng bền vững vì một thế giới ít phát thải carbon | Môi trường | Vietnam+ (VietnamPlus)

Nhà máy nhiệt điện là một trong những nơi sản sinh nhiều khí thải các bon

Về phía nơi tiếp nhận các-bon, ví dụ là các doanh nghiệp kinh doanh năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời, khi có thêm nguồn thu từ việc bán tín chỉ các-bon, họ sẽ có thêm nguồn lực để tiếp tục cải tạo, nâng cấp, thay mới hay thậm chí là nghiên cứu để gia tăng mức hiệu quả, từ đó thúc đẩy tiếp quá trình sản xuất năng lượng sạch.

Nhu cầu mua – bán tín chỉ các-bon do Việt Nam sản xuất hiện nay và tiềm năng trong tương lai?

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, năm 2025 sẽ là năm bản lề thực hiện thí điểm thương mại tín chỉ các-bon và sàn tín chỉ các-bon bắt buộc của Việt Nam dự kiến bắt đầu được triển khai vào cuối năm 2027. Hiện tại, về các hoạt động mua bán các-bon tự nguyện tại Việt Nam mức độ mua bán diễn ra khá cầm chừng so với thị trường quốc tế. Nguyên nhân chính do chính sách và nguồn lực của Việt Nam chưa sẵn sàng.

Theo các dự báo quốc tế, đến năm 2030, cùng với các cam kết giảm phát thải, lượng dầu và nhiên liệu hóa thạch có lẽ giảm rất nhanh do hạn chế cả về nguồn cung, nguồn cầu và các cam kết chính sách. Điều này sẽ tạo sức ép rất lớn cho các nền kinh tế trên toàn cầu. Việt Nam không nằm ngoài xu thế tất yếu này. Sức ép này rất mạnh và liên tục trong hàng chục năm tới. Giai đoạn 2035 – 2050, khi thế giới đã dần “thích nghi” với các nguồn năng lượng thay thế, áp lực có thể giảm dần nhưng vẫn phải hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Ít ai biết rừng không chỉ giúp hấp thụ CO2 mà còn tạo mây bao phủ làm mát khí hậu

Việt Nam là một trong số các nước có rừng hấp thụ CO2 nhiều hơn lượng thải ra

Với các quốc gia là thành viên của Thỏa thuận Paris, trong đó Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ đạt mục tiêu Net Zero, thì một trong những công cụ, giải pháp thực hiện đó là phát triển thị trường các-bon. Thị trường sẽ là nơi điều tiết với cơ chế “thuận mua, vừa bán” giữa các tổ chức, doanh nghiệp, bên trung gian làm cầu nối để trung hòa các-bon theo hạn ngạch phân bổ (dự kiến cuối năm 2025 sẽ phân bổ hạn ngạch phát thải cho các cơ sở, đơn vị trọng điểm phải kiểm kê khí nhà kính). Giá các-bon trên thị trường sẽ phản ánh quy luật cung cầu và sẽ tăng đến giá trị mà bên cơ sở phát thải cao (bên mua) phải cân nhắc chuyển đổi công nghệ của mình để giảm phụ thuộc vào việc mua tín chỉ các-bon bù đắp hay chấp nhận đóng một khoản tiền phạt cho việc phát thải quá hạn ngạch của mình.

Việc phân bổ hạn ngạch phát thải cho cơ sở sẽ được căn cứ dựa trên “Tổng hạn ngạch”, “Mục tiêu giảm phát thải của quốc gia” và “Kết quả kiểm kê giảm phát thải của cơ sở”. Đây được xem là công cụ hữu ích để Việt Nam và các quốc gia trên thế giới tạo sân chơi công bằng và phát triển bền vững, giúp thế giới duy trì nhiệt độ tăng không quá 2 độ C vào cuối thế kỷ này.

THÁCH THỨC TRONG PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG CÁC-BON?

Thị trường các-bon phải được đánh giá toàn diện và đầy đủ, hội nhập và áp dụng các chuẩn quốc tế vì đây là cuộc chơi chung của toàn cầu và các quốc gia trên thế giới. Do đó, quá trình đo đạc, báo cáo, xác minh (MRV) đòi hỏi tuân thủ các phương pháp luận và cơ chế đánh giá chặt chẽ. Trong khi đó, chi phí chứng nhận để phát hành tín chỉ hiện nay khá cao do chủ yếu là thuê đơn vị tư vấn từ nước ngoài. Việt Nam cần chuẩn bị thêm nguồn nhân lực đủ kiến thức kỹ thuật thực hiện trực tiếp vấn đề này hoặc liên kết phối hợp thực hiện. Chi phí giảm sẽ hấp dẫn các doanh nghiệp giảm phát thải, tạo tín chỉ nhiều hơn.

Một trong những thách thức lớn là nhận thức doanh nghiệp, cơ sở về biến đổi khí hậu nói chung và thị trường các-bon nói riêng chưa đầy đủ, còn thiếu thông tin và tầm nhìn dài hạn để đảm bảo một tương lai bền vững. Thị trường này đã được hình thành ý tưởng từ những năm 1970 tại Hoa Kỳ và chính thức vào năm 2005 sau khi Nghị định thư Kyoto có hiệu thực. Giá trị của nó mang lại chính là xu thế không thể đảo ngược của nhân loại. Chỉ có giảm phát thải – thông qua các công cụ định giá các-bon (tài chính và công nghệ) chúng ta mới phát triển bền vững và thực hiện đúng lộ trình cho cam kết Netzero vào năm 2050.

Việc triển khai cơ chế điều chỉnh các-bon xuyên biên giới (CBAM – dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại) mà châu Âu và Mỹ sắp sửa áp dụng (EU sẽ thí điểm đánh thuế một số mặt hàng vào tháng 10/2023; chính thức vận hành vào năm 2026; Mỹ sẽ chính thức vào năm 2024) cũng sẽ là một thách thức đối với Việt Nam và các quốc gia đang phát triển muốn xuất khẩu vào các thị trường này. Và Việt Nam cũng cần sớm triển khai và vận hành thị trường các-bon, xây dựng sàn giao dịch liên thông quốc tế (CA) để có cơ sở tính toán, bù trừ tín chỉ phát thải giữa các quốc gia với nhau trong tương lai.

“Theo ông Vũ Trung Kiên – Công ty CP Tân Nguyên thì các giao dịch tự nguyện được bảo vệ và khuyến khích bởi Thỏa thuận Paris nhằm tạo ra một thị trường toàn cầu. Để thúc đẩy hội nhập và nhanh chóng nắm bắt cơ hội, Việt Nam cần chủ động tăng chất lượng dự án và chuyên gia, đảm bảo tín chỉ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Không nên tìm cách hạn chế các giao dịch tự nguyện này, mà ngược lại, nên khuyến khích để tạo nguồn thu ngoại tệ cho đất nước, tạo cơ hội cho doanh nghiệp, cũng như tạo một “thao trường” cho các doanh nghiệp của Việt Nam được cọ xát, rèn luyện với môi trường và tiêu chuẩn quốc tế. Cần khuyến khích thiết lập bộ quy tắc tự nguyện và sàn giao dịch tự nguyện để chuẩn hóa dần luật chơi, tiến tới tương thích và giao dịch bổ sung được với các sàn giao dịch quốc gia và quốc tế”

Comments