Biến đổi khí hậu

Nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã quan tâm tới hoạt động giảm phát thải, tạo dự án tín chỉ carbon

quanly
2023/08/02 - 7:42:21

Trong thời gian vừa qua, Trung tâm Bảo vệ môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu đã chia sẻ nhiều thông tin tới các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân về các giải pháp tạo dự án tín chỉ carbon, phương thức đầu tư và thương mại tín chỉ carbon trong thị trường quốc tế, khi mà tại Việt Nam tới năm 2025 mới thí điểm vận hành thị trường carbon.

Sáng ngày 09 tháng 5 năm 2023, Trung tâm đã có buổi chia sẻ và trao đổi thông tin với đại diện Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường và một số doanh nghiệp tại Việt Nam về việc xây dựng chiến lược phát triển các dự án trồng cây xanh, trồng rừng, bảo vệ rừng và phát triển rừng qua đó tạo động lực cho người dân phát triển sinh kế và giữ rừng, tạo ra tín chỉ carbon đồng thời góp phần vào thực hiện cam kết chung của Chính phủ về mục tiêu “Phát thải ròng bằng 0” vào năm 2050.

Chia sẻ tại cuộc họp, ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường cho biết đơn vị đã triển khai rất nhiều hoạt động trồng rừng, trồng cây xanh hưởng ứng Đề án 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ tại nhiều địa phương trên cả nước. Các chương trình trồng cây đã gây tiếng vang trong xã hội, tạo được phong trào tốt cho cộng đồng, địa phương như “Toyota xanh hóa học đường”; “Ngày hội trồng cây – Cùng Honda giữ mãi màu xanh Việt Nam”; “Unilever Hành động vì một Việt Nam xanh”; “Panasonic – Sống khỏe góp xanh”… Các hoạt động này có ý nghĩa xã hội thiết thực nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng như góp phần giảm thiểu khí các-bon phát thải ra môi trường, đồng thời, là đây cũng là nỗ lực chung tay cùng Chính phủ Việt Nam thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Các doanh nghiệp ngoài mong muốn đóng góp các giá trị cho cộng đồng, góp phần xây dựng cuộc sống xanh, mang lại bầu không khí sạch cho người dân địa phương thì cũng đang quan tâm tới việc những cánh rừng, cây xanh đơn vị mình đã trồng, chăm sóc, bảo vệ sẽ đóng góp một lượng hấp thụ phát thải CO2, qua đó  quy đổi sang tín chỉ carbon để thực hiện các mục tiêu giảm phát thải nội bộ và mục tiêu Net Zero của quốc gia.

Hình ảnh: Quang cảnh buổi họp

Hình ảnh: Nghiên cứu về trữ lượng carbon rừng sẽ quyết định vào mức độ quan tâm, đầu tư tín chỉ carbon rừng của doanh nghiệp

Đồng quan điểm với đại diện Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường và các doanh nghiệp, ông Phạm Việt Biên Cương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu đã có những phân tích sơ bộ về quá trình tổng quan thực hiện các dự án trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng để tạo ra tín chỉ carbon. Việc hành động và áp dụng những giải pháp, biện pháp trong quá trình trồng mới rừng và cây xanh cũng sẽ phần nào tăng khả năng hấp thụ khí CO2, làm mát đô thị. Phần thưởng cho các hoạt động, dự án này là tín chỉ carbon (được thẩm định bởi các tổ chức quốc tế uy tín như GS, VCS…) sẽ mang lại thêm các nguồn thu cho đơn vị hoặc đóng góp vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính.

Ngoài ra, ông Cương cũng nhấn mạnh việc trồng cây xanh, trồng rừng luôn là một giải pháp ưu tiên trong hoạt động giảm phát thải, tuy nhiên chúng ta cần phải xem xét kỹ các vấn đề như quyền sở hữu đất, sở hữu lượng tín chỉ carbon tạo ra từ dự án, loại cây trồng nào hấp thụ carbon tốt, các chi phí liên quan tới quá trình thuê tư vấn, đơn vị thẩm định cho dự án. Trong hoạt động tạo ra carbon từ việc hấp thụ phát thải từ rừng, hiện nay tại Việt Nam, Bộ NN&PTNT đang nghiên cứu lấy ý kiến các bộ ngành, chuyên gia về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Trong dự thảo, đã nêu ra các vấn đề tới quyền sở hữu, chức năng đơn vị thẩm định dự án, quy trình, thời gian thực hiện dự án, trách nhiệm của các bên liên quan. Tuy nhiên, để các dự án tín chỉ carbon này có tính quốc tế, dễ dàng trao đổi, mua bán với các tổ chức, cá nhân khác trên thế giới thì hiện nay các dự án đều đang được đề xuất và thẩm định bởi các đơn vị, tổ chức uy tín (thị trường tự nguyện) như Verra, Gold standard,  Plan Vivo…

Hình ảnh: Minh họa về phương án tính toán lượng giảm phát thải của một dự án tạo ra tín chỉ carbon.

Hình ảnh: Giám đốc Phạm Việt Biên Cương (ngoài cùng tay phải) chia sẻ các thông tin về quy trình tạo lập dự án tín chỉ carbon và kiểm kê khí nhà kính 

“Trung tâm Bảo vệ môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu là đơn vị tổ chức khoa học công nghệ có chức năng chính về tư vấn, thực hiện các hoạt động kiểm kê khí nhà kính, xây dựng các kế hoạch, biện pháp giảm nhẹ phát thải; đặc biệt Trung tâm còn đang thực hiện các hoạt động phát triển, đầu tư, thương mại, xây dựng thị trường carbon tại Việt Nam. Thời gian tới, Trung tâm sẽ triển khai các hoạt động về ứng phó biến đổi khí hậu thông qua Chiến dịch RACE TO NET ZERO với nhiều hoạt động, chương trình thiết thực nhằm nỗ lực thực hiện cam kết Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”

Comments