Không thể nào có một sản phẩm trung hòa carbon, vì cứ làm ra cái mới là đã có tác động bất khả bù đắp cho môi trường rồi.
Trong sự kiện giới thiệu sản phẩm mới ngày 12-9, Apple tuyên bố Apple Watch là “sản phẩm trung hòa carbon đầu tiên” của hãng, đánh dấu một cột mốc trong kế hoạch “đưa mọi sản phẩm đến mục tiêu trung hòa carbon” vào năm 2030.
Theo đó, thế hệ thứ chín của dòng đồng hồ thông minh này sẽ có vỏ (case) và dây đeo trung hòa carbon, nhờ “những cải tiến liên tục về nguyên vật liệu, năng lượng sạch và vận chuyển phát thải carbon thấp”.
Một số người tiêu dùng rất hoan hỉ – sắp tới trên cổ tay có cái đồng hồ giá cả chục triệu vừa sang chảnh vừa được tiếng sống xanh, song nhiều chuyên gia, trong đó có David Ho, nhà khoa học khí hậu thuộc Đại học Hawaii, lại rất hoài nghi vì “làm gì có cái gọi là sản phẩm trung hòa carbon”.
Ho cho rằng cách gọi này là ngớ ngẩn, gieo vào người tiêu dùng ý tưởng rằng có nhiều cách giải quyết vấn đề phát thải mà không liên quan đến việc tiêu thụ ít hơn. “Trừ phi Apple Watch được thiết kế để hấp thụ CO2 trực tiếp từ khí quyển, còn không thì nó không phải là trung hòa carbon” – Ho nói.
Giữa muôn vàn thuật ngữ đao to búa lớn, lời lẽ lấp lánh liên quan đến chống biến đổi khí hậu, “trung hòa carbon” là đại diện hiếm hoi mà đọc vào hiểu ngay – không thừa carbon, phát thải sinh ra trong sản xuất sẽ được cân bằng lại, bằng cách nào đó. Nhưng đằng sau câu chữ là nhiều vấn đề.
Những nỗ lực xanh hóa và cắt giảm phát thải khi làm đồng hồ của Apple, với sự tham gia của rất nhiều khâu trong chuỗi cung ứng – từ sản xuất, đóng gói đến vận chuyển, dù rất ấn tượng vẫn cho thấy để thực sự đạt mục tiêu trung hòa carbon là khó thế nào.
Một chiếc đồng hồ không thể hoàn toàn dùng vật liệu tái chế, các phương án vận chuyển phi hàng không vẫn có phát thải… Vì vậy, trung hòa carbon vẫn dựa chủ yếu vào bù đắp bằng tín chỉ carbon. Một báo cáo năm ngoái của tổ chức phi lợi nhuận NewClimate Institute và Carbon Market Watch cho thấy những cam kết về khí hậu của 25 công ty lớn nhất thế giới chủ yếu là dựa vào các biện pháp bù đắp thay vì giảm phát thải carbon.
Chính Apple cũng thừa nhận lượng phát thải nhỏ còn lại (sau khi không thể cắt giảm thêm nữa) được cân bằng bằng cách đầu tư cho các dự án dựa vào thiên nhiên, chẳng hạn trồng rừng, năng lượng tái tạo… Nhưng cách “bù đắp” này không ổn, ngay từ tên gọi đến hiệu quả thực sự của nó.
Nghiên cứu của ASA – cơ quan quản lý quảng cáo của Vương quốc Anh – phát hiện ra rằng người tiêu dùng thực sự hiểu cụm từ này theo nghĩa đen, rồi mới ngỡ ngàng vỡ lẽ lượng khí thải mới vẫn được tạo ra, chỉ là chúng không được “tính” vì đã có tín chỉ carbon bù đắp. Các công ty vì vậy phải đặc biệt thận trọng với các tuyên bố “trung hòa carbon” bằng tín chỉ carbon, ASA khuyến nghị.
Đấy là vẫn tính trong trường hợp lý tưởng rằng dự án tạo ra tín chỉ carbon kia thực sự có hiệu quả. Thực tế là các dự án này không phải lúc nào cũng hoàn thành trọng trách bù đắp cho sự phát thải của người khác.
Vẫn cứ lấy chuyện Apple làm ví dụ. Hãng đầu tư vào các dự án lâm nghiệp “có kiểm soát” ở Paraguay và Brazil, nơi các vùng đất chăn thả bị thoái hóa được chuyển đổi thành đồn điền trồng cây. Cây tất nhiên sẽ bắt nhốt carbon, đủ sức giúp bù trừ phần phát thải khi làm đồng hồ thông minh của Apple.
Nhưng theo những người chỉ trích chuyện bù đắp carbon, ngay cả khi các đồn điền kia làm tốt nhiệm vụ của mình, không ai dám chắc về chuyện xảy ra bên ngoài khu vực đó: đàn gia súc đã rời đi để lấy đất phục vụ bán tín chỉ carbon, biết đâu lại tàn phá một nơi khác? Chuyện này rõ là đi ngược lại ý định tốt của bên trả tiền cho tín chỉ carbon mà các dự án này tạo ra.
Một điều tra gần đây của The Guardian cho thấy hơn 90% dự án của Verra, một công ty mua bán tín chỉ carbon lớn, đã không thực sự loại bỏ carbon: chúng chỉ đơn giản là dời sự tàn phá đi nơi khác. Cây bút Mark Gongloff của Bloomberg hồi tháng 6 cũng chỉ ra khoảng 100ha rừng trong một dự án bán tín chỉ carbon ở British Columbia (Canada) đã bị thiêu rụi trong một trận cháy rừng, tức phát thải còn kinh hoàng hơn.
Tóm lại, bỏ tiền ra mua tín chỉ carbon chưa phải là đảm bảo “trung hòa carbon”. Nhiều công ty từng hăm hở tham gia các dự án bù đắp carbon cũng đã nhận ra vấn đề và thay đổi. Nestlé đang từ bỏ chính sách bù đắp carbon, thay bằng cắt giảm lượng khí thải nhà kính trong các hoạt động và chuỗi cung ứng của chính mình.
Tháng 9 năm ngoái, hãng hàng không châu Âu EasyJet cũng ngưng chương trình bù đắp carbon. CEO của hãng nói số tiền mua tín chỉ carbon tốt hơn nên được chi cho các công nghệ mới, chẳng hạn như máy bay tiết kiệm nhiên liệu, giúp giảm phát thải carbon trực tiếp hơn.
Chưa rõ việc “đổi chiến thuật” của những Apple, Nestlé hay EasyJet sẽ thật sự mang lại thay đổi gì, song tác giả Gregory Barber của Wired đề xuất việc trước nhất là cho thuật ngữ trung hòa carbon “lên đường”. Không thể nào có một sản phẩm trung hòa carbon, vì cứ làm ra cái mới là đã có tác động bất khả bù đắp cho môi trường rồi.
Nguồn: Tuổi trẻ