Trong công văn phúc đáp Bộ Tài chính về việc hoàn thiện Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, Bộ NN-PTNT đề nghị chỉnh sửa, hoàn thiện nội dung “Trong giai đoạn thực hiện thí điểm thị trường carbon từ năm 2025-2028, chưa bán tín chỉ carbon ra nước ngoài, chưa quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới, trừ một số trường hợp trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ carbon theo các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế cấp Chính phủ bảo đảm việc thực hiện mục tiêu, cam kết giảm phát thải của quốc gia theo NDC”.

Sở dĩ Bộ NN-PTNT đề nghị sửa đổi nội dung trên do ngày 2/5/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện NDC.

Trong đó nêu rõ, các bộ gồm: Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, NN-PTNT, Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm “chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho cấp có thẩm quyền quyết định việc tổ chức đàm phán, ký kết, triển khai thỏa thuận hoặc hợp đồng với các đối tác quốc tế về chuyển nhượng tín chỉ carbon, kết quả giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải theo NDC”.

carbon 2.png
Bộ NN-PTNT đang thực hiện nhiều thỏa thuận về chuyển nhượng tín chỉ carbon với các tổ chức quốc tế. Ảnh minh họa

Ngoài ra, giao Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương có rừng xác định tiềm năng giảm phát thải và hấp thụ carbon từ rừng đóng góp cho việc thực hiện mục tiêu NDC. Từ đó, làm cơ sở cho các hoạt động trao đổi tín chỉ carbon rừng với các đối tác quốc tế. Đồng thời, Bộ NN-PTNT xây dựng chính sách thí điểm và cơ chế chi trả tín chỉ carbon dựa vào kết quả cho khu vực chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp.

Hiện tại, Bộ NN-PTNT chủ trì xây dựng và triển khai một số Thỏa thuận chi trả/chuyển nhượng kết quả giảm phát thải, tín chỉ carbon (ERPA) với Ngân hàng Thế giới và Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF/Emergent) cho lĩnh vực lâm nghiệp; Quỹ Tài sản chuyển đổi carbon (TCAF) hỗ trợ triển khai Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.

Ngoài ra, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và triển khai các chương trình, thỏa thuận quốc tế nhằm huy động nguồn lực tài chính cho ngành này.

Theo Bộ NN-PTNT, khi thực hiện các chương trình, thỏa thuận sẽ huy động nguồn tài chính bền vững, bổ sung nhằm tái đầu tư cho bảo vệ, phát triển rừng, cải thiện sinh kế cho cộng đồng địa phương và nông dân trồng lúa.

Cụ thể, triển khai ERPA vùng Bắc Trung bộ đã thu được 51,5 triệu USD, góp phần quản lý bảo vệ 2,2 triệu ha rừng tự nhiên; triển khai Thỏa thuận LEAF/Emergent cho vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ dự kiến thu được tối thiểu 51,5 triệu USD, ước tính bảo vệ được 3,2 triệu ha rừng.

Hay như Thỏa thuận với TCAF, giai đoạn 1 dự kiến được chi trả 18 triệu USD và đảm bảo giữ lại toàn bộ lượng giảm phát thải cho đóng góp NDC của Việt Nam; giai đoạn 2 theo cơ chế chuyển giao tín chỉ carbon (MOPA) dự kiến chi trả khoảng 22 triệu USD.

Theo đó, nguồn hỗ trợ này sẽ tạo điều kiện để tập huấn phương pháp canh tác lúa bền vững, giảm phát thải. Điều quan trọng, đề án 1 triệu ha lúa giúp giảm 20% chi phí sản xuất lúa, tăng thu nhập cho các hộ dân. Hiện, bộ này đã thống nhất với TCAF tập trung xây dựng văn kiện dự án đối với cơ chế ERPA và sẽ chỉ xem xét MOPA khi được Chính phủ cho phép.

Về khía cạnh môi trường, thực hiện các chương trình, thỏa thuận nêu trên trong lĩnh vực lâm nghiệp sẽ góp phần bảo vệ, duy trì và cải thiện chất lượng rừng, giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu…; góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam trong thực hiện Thỏa thuận Paris và NDC.

Với sản xuất lúa gạo sẽ góp phần giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời thay đổi tập quán sản xuất, giảm chi phí đầu vào, tăng cường quản lý rơm rạ…

Bộ NN-PTNT cân nhắc, lựa chọn phương án chuyển nhượng, trao đổi các kết quả giảm phát thải/tín chỉ carbon theo các ERPA, trên nguyên tắc vẫn được giữ lại để Việt Nam thực hiện cam kết NDC. Trong quá trình đàm phán, ký kết và triển khai thực hiện ERPA, bộ này sẽ luôn phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan để đảm bảo không ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia.

“Như vậy, với việc xây dựng, triển khai các chương trình, thỏa thuận của ngành nông nghiệp cơ bản tuân thủ theo đúng quy định, dựa trên nguyên tắc bảo đảm lợi ích quốc gia, đảm bảo thực hiện cam kết giảm phát thải theo NDC, không ảnh hưởng đến an ninh và trật tự xã hội”, Bộ NN-PTNT khẳng định.