Tin trong nước

Bảo vệ môi trường không khí là trách nhiệm của toàn xã hội

quanly
2024/11/14 - 6:14:11

Là nhấn mạnh của Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy tại Hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam”, do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường và UBND thành phố Hà Nội tổ chức ngày 14.11.

small-20241411-bt-du-hn-onkk-21.jpg
Các đại biểu chủ trì hội nghị

Dự và chủ trì Hội nghị có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy; Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Văn phòng Quốc hội Trần Ngọc Hoa; Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông.

small-20241411-bt-du-hn-onkk-3.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu khai mạc hội nghị

Hướng đến một bầu trời xanh, không khí sạch

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh “Bảo vệ môi trường phải lấy bảo vệ sức khỏe của nhân dân làm mục tiêu hàng đầu. Ưu tiên chủ động phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, tập trung giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách”.

Ô nhiễm không khí hiện nay là vấn đề ô nhiễm môi trường chính không chỉ ở Việt Nam, mà cũng là vấn đề môi trường chính của các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, vấn đề ô nhiễm môi trường không khí đã xuất hiện như hệ quả của quá trình phát triển kinh tế – xã hội và đô thị hóa nhưng mức độ ô nhiễm có xu hướng ngày càng gia tăng trong 10 năm gần đây là vấn đề rất đáng lo ngại cần tập trung giải quyết.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cùng với các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là TP. Hà Nội triển khai nhiều hoạt động về bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường không khí nói riêng. Dư luận xã hội và người dân cũng rất quan tâm đến ô nhiễm không khí, đồng thời báo chí và các đơn vị truyền thông cũng đã tích cực đưa tin bài, phản ánh về nội dung này.

small-20241411-bt-du-hn-onkk-5.jpg
Toàn cảnh Hội nghị

“Nhưng hiện nay, công tác kiểm soát, quản lý chất lượng không khí vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi sự đoàn kết vì mục tiêu chung, bởi ô nhiễm không khí không theo địa giới hành chính, ô nhiễm không khí không phải trách nhiệm của riêng từng Bộ, từng ngành hay từng Địa phương mà bảo vệ môi trường không khí là trách nhiệm của toàn xã hội.” Bộ Trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng cho biết, hội nghị có sự tham gia của đại diện 12 Bộ, ngành; 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; 13 địa phương là các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; cùng với sự tham gia của gần 20 chuyên gia, nhà khoa học đã có nhiều nghiên cứu về ô nhiễm không khí.

Do vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn được trao đổi các thông tin, giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị của Việt Nam. Từ các đề xuất tại Hội nghị sẽ được chuyển hoá thành hành động cụ thể và thiết thực, hướng đến một BẦU TRỜI XANH, KHÔNG KHÍ SẠCH cho các đô thị lớn trên cả nước.

small-20241411-bt-du-hn-onkk-6.jpg
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông phát biểu tại hội nghị

Hành động mạnh mẽ để mang lại không khí trong lành

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết: Theo thống kê, số dân cư sống tại Hà Nội khoảng 9 triệu người, trong đó dân số đô thị chiếm trên 40%. Toàn địa bàn thành phố có 10 khu công nghiệp, 1.300 làng nghề, hơn 7 triệu xe gắn máy và hơn 600.000 ô tô. Thành phố mỗi ngày tiêu thụ ước tính khoảng 80 triệu KWh điện và hàng triệu lít xăng, dầu. Chưa kể, tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp và rác thải tự phát đang diễn ra thường xuyên trên địa bàn thành phố… “đây chính là những nguồn phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt ô nhiễm không khí.” – ông Đông thông tin.

Trước thực trạng đó, UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí. Điển hình, đã xóa bỏ hơn 99% số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% hiện tượng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công, thu gom, vận chuyển rác thải hàng ngày đạt trên 90% ở tất cả các khu vực trên địa bàn Thủ đô, triển khai thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn, làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí…

Đồng thời, TP. Hà Nội cũng đã ban hành nhiều chương trình, chính sách nhằm đưa TP phát triển theo hướng kinh tế xanh, tận dụng các cơ hội phát triển theo hướng các-bon thấp và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, phòng tránh, giảm thiểu những hiểm hoạ của biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai, góp phần vào nỗ lực chung của Việt Nam thực hiện cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” – net zero vào năm 2050.

small-daib-ieu.jpg
Các đại biểu dự hội nghị

Với tinh thần đó, theo Phó Chủ tịch thành phố, Hà Nội đã trình Quốc hội ban hành Luật Thủ đô, trong đó có khoản a Điều 28 quy định về tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp để hạn chế phương tiện giao thông ô nhiễm môi trường, nhằm cải thiện chất lượng không khí và ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng không khí thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035.

small-20241411-bt-du-hn-onkk-7.jpg
Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy chụp hình lưu niệm cùng đại biểu

Để thực hiện hiệu quả các giải pháp cải thiện chất lượng không khí, TP. Hà Nội mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, các Bộ, ngành Trung ương, sự hợp tác chặt chẽ, đồng lòng với các tỉnh, thành phố lân cận và sự tham gia hành động của chính quyền các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế.

“Chúng ta cần có các hành động mạnh mẽ, kịp thời và quyết liệt hơn nữa để mang lại bầu không khí trong lành cho người dân” – ông Nguyễn Trọng Đông bày tỏ.

Ô nhiễm không khí – vấn đề hiện hữu ở Việt Nam

Theo báo cáo tại Hội nghị cho thấy, ô nhiễm không khí là vấn đề hiện hữu của Việt Nam, mà trọng tâm là 2 khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc (xung quanh TP. Hà Nội) và phía Nam (xung quanh khu vực TP. Hồ Chí Minh). Ô nhiễm môi trường không khí có tính quy luật theo mùa (từ khoảng tháng 10 -11 của năm trước, kéo dài tới tháng 4 năm sau) và tập trung chủ yếu tại một số điểm có mật độ giao thông và tập trung nhiều cơ sở sản xuất.

z6032946664249-ca3d3215390f52be2933417b0f1ae570.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy trao đổi với đại biểu bên hành lang hội nghị

Về thông số ô nhiễm, hiện nay các kết quả theo dõi cho thấy, ô nhiễm tập trung vào hàm lượng bụi, trong đó có bụi mịn (PM2.5), đối với các thông số khác NO2, O3, CO, SO2 đều đạt giới hạn cho phép của QCVN 05:2023/BTNMT. Giá trị bụi PM2,5 quan trắc tại các khu vực trên cả nước có sự phân hóa mạnh giữa các vùng, miền. Giá trị bụi PM2,5 cao nhất tại khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận thuộc đồng bằng sông Hồng, kế tiếp là khu vực TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh xung quanh. Giá trị bụi PM2,5 thấp nhất tại các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã thông tin và chia sẻ nhiều kinh nghiệm thành công giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường không khí của một số nước trong khu vực, từ đó đưa ra các nhóm giải pháp quan trọng để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường không khí tại Việt Nam cần tập trung triển khai trong thời gian tới.

Chia sẻ nhanh tại hành lang Hội nghị, ông Phạm Hồng Lĩnh, chuyên gia Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam, nguyên Phó TGĐ Tổng công ty Khí Việt Nam cho biết:

“Công tác Đo đạc, thí điểm, ban hành Hệ thống các văn bản pháp luật cho quản lý chất lượng không khí đã tiếp tục xây dựng và hoàn thiện, công tác tuyên truyền đi sâu vào nhận thức của các Tổ chức và cá nhân trong xã hội đã thấy rõ nguy cơ và trách nhiệm trước thảm hoạ ô nhiễm môi trường không khí. Tuy nhiên bức tranh Bức tranh hiện trạng và những kết quả đạt được vẫn đang ở giai đoạn nghiên cứu, thí điểm, thử nghiệm, tuyên truyền vận động, vì vậy đã đến thời điểm chúng ta phải quyết liệt, có các giải pháp khả thi để hướng tới một môi trường xanh, bền vững, phát triển. Chúng ta phải Chuyển giai đoạn Từ thí điểm, thử nghiệm sang giai đoạn Thực hiện . Hiệp Hội EPMA có đề xuất  cần Tiếp tục Thực hiện Nghị Định Số: 45/2022/NĐ-CP của Chính Phủ, cụ thể:

Ngày 7/7/2022 Chính Phủ ban hành Nghị Định Số: 45/2022/NĐ-CP quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong đó có Điều 20,21,24. Quy định về: Vi phạm các quy định về thải bụi, khí thải có chứa các thông số môi trường thông thường, nguy hại, kéo dài vào môi trường, Nghị định tuy đã quy định nhiều mức phạt rất cụ thể nhưng chưa đầy đủ  , rõ ràng dẫn đến những bất cập, khó khăn khi thực hiện:

          – Phải Quy định Hành vi vi phạm và mức xử phạt cho từng khu vực vì nguồn xả thải, hành vi xả thải tại các khu Công nghiệp, Nông nghiệp, Đô thị có tính chất đặc thù khác nhau, đặc biệt là khu Đô thị, nơi tập trung dân cư sinh sống, làm việc, đi lại với mật độ, tần suất rất cao. Tại đây nguồn phát thải bụi mịn PM 2.5 từ giao thông, xây dựng, mùi hoá chất hữu cơ độc hại từ sinh hoạt cao dẫn đến Chỉ số chất lượng môi trường không khí AQi tăng rất nhanh lên mức xấu và rất xấu. Các Khu Công nghiệp có nguồn phát thải chính từ các nhà máy, các khu sản xuất Nông nghiệp- chăn nuôi gia súc có phát thải chính từ Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật  thuận lợi hơn trong việc giảm thải ô nhiễm không khí tại các Khu Đô thị.

          – Phải có Thông tư hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về Quy định hành vi, xử phạt thì việc thi hành mới khả thi. Đơn cử như Mục 1, Điều 20 quy định “Hành vi thải chất gây mùi khó chịu, hôi thối vào môi trường; thải bụi, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 1,1 lần (tương đương mức vượt quy chuẩn kỹ thuật là 10%) bị xử phạt như sau:” Hành vi thải chất gây mùi khó chịu từ “Đối tượng áp dụng Nghị định là cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài tại khu Đô thị là những hành vi nào ?, mùi như thế nào là khó chịu ? nguồn bụi, khí thải từ đâu, đo như thế nào ? cần phải được làm rõ.

Nghị Định Số: 45/2022/NĐ-CP  đã ban hành Quy định hành vi và mức xử phạtphần Ngọn” của quá trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Một khi Bụi mịn, khí độc hại đã phát thải ra bầu không khí thì việc xử phạt sẽ rất khó khăn, khó thực thi.”

Còn nữa….

Comments