Biến đổi khí hậu

Cần sớm hoàn thiện thị trường carbon trong nước

quanly
2024/10/08 - 3:35:05

Theo dự thảo Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, trong giai đoạn năm 2025-2028, thị trường carbon được triển khai thí điểm trên toàn quốc. Từ năm 2029, thị trường carbon được vận hành chính thức trên toàn quốc; bổ sung các loại tín chỉ carbon được xác nhận để giao dịch trên thị trường; mở rộng chủ thể được tham gia giao dịch tín chỉ carbon trên sàn…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chủ trì cuộc họp cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam chiều ngày 7/10/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, thị trường carbon hết sức tiềm năng trong thu vốn đầu tư và phát triển công nghệ.

Tuy nhiên, các quốc gia vẫn chưa thống nhất về cơ chế, chính sách, quy chuẩn kỹ thuật, xác định và phân bổ hạn ngạch carbon trên phạm vi toàn cầu một cách công bằng, rõ ràng, minh bạch. Vì vậy, Đề án xác định lộ trình thực hiện thí điểm thị trường carbon tại Việt Nam trên tinh thần “vừa làm, vừa hoàn thiện” để đón đầu, bắt kịp xu hướng thế giới.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành rà soát kỹ lưỡng các văn bản quy phạm pháp luật về việc thành lập, tổ chức vận hành, quản lý, theo dõi, giám sát thị trường carbon trong nước.

Vừa làm, vừa hoàn thiện thị trường carbon trong nước- Ảnh 2.

Đại diện các bộ, ngành đã thảo luận, thống nhất một số nội dung còn ý kiến khác nhau về trách nhiệm quản lý nhà nước với thị trường carbon của Bộ TN&MT, Bộ Tài chính – Ảnh: VGP/MK

Phó Thủ tướng nêu rõ, Đề án ban hành là để thực hiện ngay, do vậy, phải ngắn gọn, rõ quan điểm, mục tiêu. Cụ thể là hình thành và vận hành nhuần nhuyễn sàn giao dịch carbon trong nước cả về pháp lý, con người, cơ chế chính sách; chưa thực hiện giao dịch quốc tế, trừ những hoạt động trao đổi tín chỉ carbon theo những thoả thuận quốc tế.

Các nhiệm vụ, giải pháp trong Đề án cần giao cho từng bộ, ngành, cơ quan gắn với tiến độ thực hiện, sản phẩm cụ thể (văn bản pháp luật, bộ máy tổ chức, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực…).

Quá trình triển khai Đề án bảo đảm hội nhập, hài hoà về trình tự thủ tục, năng lực chuyên môn, đồng bộ với thông lệ quốc tế như: Hệ thống pháp luật; tổ chức tư vấn, thẩm định, đo đạc, đánh giá hạn ngạch, tín chỉ carbon tham vấn nước ngoài; các chủ thể tham gia thị trường carbon, các điều kiện cần thiết khác để thị trường carbon trong nước có thể kết nối với khu vực, thế giới trong tương lai.

Việt Nam dự kiến sẽ chính thức vận hành thị trường carbon từ năm 2029 - Ảnh 1

Theo dự thảo Đề án, việc phát triển thị trường carbon tuân thủ tại Việt Nam góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, tạo dòng tài chính mới cho hoạt động cắt giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước và trên thị trường thế giới, phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Trong giai đoạn năm 2025-2028, thị trường carbon được triển khai thí điểm trên toàn quốc; chưa bán tín chỉ carbon ra nước ngoài; chưa quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.

Từ năm 2029, thị trường carbon được vận hành chính thức trên toàn quốc; bổ sung các loại tín chỉ carbon được xác nhận để giao dịch trên thị trường; mở rộng chủ thể được tham gia giao dịch tín chỉ carbon trên sàn giao dịch carbon; nghiên cứu khả năng kết nối thị trường carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới…

Dự thảo Đề án đặt ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hàng hóa trên thị trường carbon; chủ thể tham gia thị trường carbon; sàn giao dịch carbon; tổ chức vận hành thị trường carbon; nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực.

Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành đã thảo luận, thống nhất một số nội dung còn ý kiến khác nhau về trách nhiệm quản lý nhà nước với thị trường carbon của Bộ TN&MT, Bộ Tài chính; quản lý hoạt động trao đổi tín chỉ carbon quốc tế; phân công nhiệm vụ của các bộ, ngành…

Trong đó, Bộ TN&MT chịu trách nhiệm tổ chức quản lý, theo dõi và giám sát liên quan đến hàng hóa trên thị trường carbon (hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon); giải quyết khiếu nại, kiến nghị, tố cáo và xử lý vi phạm liên quan đến hàng hóa trên thị trường carbon; xây dựng yêu cầu nghiệp vụ về tổ chức, quản lý thị trường và các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với sàn giao dịch carbon…

Bộ Tài chính chịu trách nhiệm tổ chức quản lý, theo dõi và giám sát liên quan đến hoạt động trao đổi hàng hóa trên thị trường carbon; giải quyết khiếu nại, kiến nghị, tố cáo và xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động trao đổi hàng hóa trên thị trường carbon.

Bên cạnh đó, đại diện Bộ NN&PTNT kiến nghị xem xét lại nội dung “chưa quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới” để tiếp tục thực hiện hoạt động trao đổi tín chỉ carbon quốc tế như Cơ chế phát triển sạch (CDM), Cơ chế tín chỉ chung (JCM), Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ giữa Chính phủ Việt Nam với Ngân hàng Thế giới (ERPA) và một số cơ chế tín chỉ carbon tự nguyện khác như Tiêu chuẩn vàng (GS), Tiêu chuẩn carbon được thẩm định (VCS)…

Nguồn: Vneconomy

Comments