Biến đổi khí hậu

Dự án thương mại tín chỉ carbon nhiều nhất Việt Nam

quanly
2024/09/26 - 3:36:17
“Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi tại Việt Nam” do Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan thực hiện nhưng ít ai biết rằng đây là dự án đã phát hành tín chỉ carbon từ khá sớm ở Việt Nam và đã phát hành hơn 3 triệu tín chỉ carbon ra thị trường thế giới.
Theo mô tả để chứng nhận phát hành tín chỉ carbon thì mục tiêu chung của dự án là khai thác hiệu quả công nghệ khí sinh học và phát triển ngành khí sinh học thương mại tại Việt Nam; đóng góp vào phát triển nông thôn và bảo vệ môi trường thông qua việc cung cấp năng lượng sạch và giá cả phải chăng cho các hộ gia đình nông thôn, cải thiện vệ sinh cộng đồng và sức khỏe của người dân nông thôn, tạo việc làm cho lao động nông thôn và giảm phát thải khí nhà kính.
173 ngàn hộ gia đình sử dụng công trình khí sinh học tại 55 tỉnh thành trên cả nước. Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Nói nôm na dễ hiểu là dự án này hỗ trợ các trang trại chăn nuôi làm bể khí biogas, thu hồi khí mê tan trong quá trình xử lý phân trong chăn nuôi heo, để phát điện, đun nấu, thay cho dùng điện lưới, củi, than.
Dự án thực hiện từ năm 2010 đến 2016 với hơn 3 triệu tín chỉ carbon đã phát hành ra thị trường từ năm 2013 đến 2020 theo Tiêu chuẩn vàng (GS- Gold Standard, một tổ chức có trụ sở tại Thụy Sĩ).
Theo Tổ chức chứng nhận GS, tính đến nay cả nước có 72 dự án đã và đang phát hành tín chỉ carbon được chứng nhận theo GS, với lượng tín chỉ carbon đã, đang lên kế hoạch niêm yết và dự kiến phát hành hàng năm của GS là hơn 8,3 triệu tín chỉ carbon.
Trong đó có 37 dự án trong tổng số 72 dự án đã được GS chứng nhận, các dự án còn lại đang trong giai đoạn lên kế hoạch niêm yết và chờ chứng nhận.
Trong 72 dự án nói trên thì phần lớn là các dự án điện gió, điện mặt trời, thủy điện, khí sinh học của ngành chăn nuôi, xử lý nước thải. Rất bất ngờ khi dự án tham gia sớm và có lượng tín chỉ carbon lớn lại của ngành nông nghiệp. Đó là dự án “Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi tại Việt Nam” như đã nói ở phần đầu bài viết.
Hiện nay, theo tính toán của các cơ quan nghiên cứu thì ngành chăn nuôi Việt Nam thải ra khí quyển 15 triệu tấn carbon tương đương (CO2e) mỗi năm, nên thu hút không ít dự án thu hồi khí mê tan để bán tín chỉ carbon. Điển hình như hiện nay đang có chương trình Biogas cho ngành chăn nuôi carbon thấp tại Việt Nam đã được GS chứng nhận phát hành từ đầu năm 2021 với dự kiến 100.000 tín chỉ carbon mỗi năm, hiện đã phát hành được 65.000 tín chỉ carbon. Ngoài ra, có ít nhất 2 dự án khác dự kiến thu hồi khí mê tan thông qua xử lý chất thải chăn nuôi có tên “Năng lượng sinh học cho nông nghiệp tuần hoàn” và dùng khí mê tan để phát điện đang trong giai đoạn đánh giá của GS.
Còn hiện nay, dự án có lượng tín chỉ carbon dự kiến phát hành hàng năm lớn nhất thuộc về dự án điện gió Ea Nam hiện được cho là có công suất lắp đặt 400 MW, lớn nhất Việt Nam ở huyện Ea H’leo, Dak Lak. Gold Standard đã chứng nhận tín chỉ carbon của dự án Ea Nam dự kiến phát hành hàng năm 933.000 tín chỉ carbon từ năm 2022 đến năm 2027 và năm nay, dự án này đã phát hành được gần 700.000 tín chỉ carbon.
Một góc cánh đồng điện gió Ea H’leo, Dak Lak. Ảnh: Hồng Văn
Mặc dù tín chỉ carbon dự kiến phát hành hàng năm chừng 540.000 tín chỉ, thấp hơn Ea Nam nhưng BIM Solar Farm – dự án điện mặt trời tại huyện Thuận Nam, Ninh Thuận – là dự án phát hành từ năm 2019 đến nay hơn 1,8 triệu tín chỉ carbon. Chủ đầu tư dự án cho biết dự án có tổng công suất lắp đặt là 330MW, tạo ra 543.613 MWh điện mỗi năm.
Ba dự án điện gió Hòa Bình 1, Hòa Bình 2 và Hòa Bình 1 giai đoạn 2 ở Bạc Liêu cùng 1 chủ đầu tư cũng tham gia bán tín chỉ carbon 2 năm qua. Cũng trên địa bàn Bạc Liêu, có nhà máy điện gió Bạc Liêu tham gia bán tín chỉ carbon từ năm 2020 và đến nay đã phát hành hàng trăm ngàn tín chỉ carbon theo tiêu chuẩn GS. Nói về phát hành tín chỉ carbon thì Bạc Liêu hiện là địa phương dẫn đầu cả nước do có nhiều dự án điện gió ven biển và trên biển.
Điều bất ngờ là các nhà máy chế biến thực phẩm, điển hình là tinh bột sắn, xả thải lớn, có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao do khí mê tan trong nước thải, có thể xử lý thu hồi khí mê tan làm nhiệt sinh học, lại bán khá nhiều tín chỉ carbon.  Đó là nhà máy tinh bột sắn của Công ty Dakfocam ở Dak Lak đã phát hành được 23.000 tín chỉ carbon; một nhà máy tinh bột sắn ở huyện Yên Bình, Yên Bái đã phát hành 61.000 tín chỉ carbon trong dự kiến hàng năm chừng 47.000 tín chỉ; một nhà máy tinh bột sắn ở Nghệ An cũng đã phát hành hơn 65.000 tín chỉ carbon trong dự kiến hàng năm 57.000 tín chỉ.
Ngay tại đô thị vẫn có thể bán tín chỉ carbon, điển hình như Công ty cổ phần Xe điện thông minh Selex là chủ đầu tư của Dự án Xe điện thông minh Selex. Dự án bao gồm việc bán và giám sát khoảng 90.000 xe điện thông minh tại Hà Nội và TPHCM, hiện đang lên kế hoạch với GS với dự kiến phát hành chừng 44.000 tín chỉ carbon mỗi năm.
Theo mô tả của dự án cho GS thì dự án nhằm thay thế xe máy và xe hai bánh truyền thống bằng xe máy điện, góp phần bảo vệ môi trường và phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững. Xe máy điện của Selex sẽ được bán cho các cá nhân và đơn vị vận tải trong khu vực Hà Nội và TPHCM, nhưng, “Các hợp đồng mua bán sẽ phản ánh rõ ràng quyền sở hữu liên quan đến tín chỉ carbon tạo ra từ việc vận hành xe máy điện của Selex. Selex đã triển khai hệ thống giám sát thông minh trên tất cả các xe của mình để hỗ trợ hệ thống hoán đổi pin”.
Trên thị trường thế giới hiện có 7 tiêu chuẩn chứng nhận tín chỉ carbon lưu hành nhưng ở Việt Nam, phần lớn các dự án đăng ký ở 3 tiêu chuẩn là GS (Gold Standard), REDD+ (Reducing Emissions from Deforestation and Forest Degradation in Developing Countries) của UNFCCC (United Nations Framework Convention on Climate Change) và VCS (Verified Carbon Standard).

Comments