Biến đổi khí hậu

Nhiều vướng mắc khi kinh doanh tín chỉ carbon tại Việt Nam

quanly
2024/05/24 - 2:26:14

Cùng với nhiều tỉnh thành khu vực miền Trung – Tây Nguyên, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đang hoàn thiện hồ sơ trình các cơ quan chức năng xây dựng đề án bán tín chỉ carbon rừng ra thế giới…

Rừng nguyên sinh Khu bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà.
Rừng nguyên sinh Khu bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà.

Với diện tích tự nhiên khoảng hơn 10 nghìn km2, Quảng Nam là một trong số ít các tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước.

Theo số liệu thống kê năm 2022, diện tích đất có rừng của tỉnh Quảng Nam là 680.806,4 ha (với độ che phủ rừng là 58,71%), gồm rừng tự nhiên: 463.530,46 ha, rừng trồng: 217.275,94 ha; diện tích đất chưa có rừng là 88.465,08 ha), có tiềm năng về thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao trữ lượng carbon từ rừng.

TIỀM NĂNG VÀ CƠ HỘI

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết với mục tiêu tạo nguồn tài chính bền vững để thực hiện bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên hiện có, phát triển rừng theo hướng bền vững, ngay từ năm 2018, UBND tỉnh Quảng Nam đã xây dựng và phê duyệt Kế hoạch hành động (REDD+) theo Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 05/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các-bon rừng đến năm 2030; và Quyết định số 5414/QĐ-BNN-TCLN ngày 25/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT (Phê duyệt hướng dẫn xây dựng Kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, bảo tồn và nâng cao trữ lượng carbon rừng cấp tỉnh) sau khi lấy ý kiến của các Bộ ngành Trung ương (Quyết định số 1489/QĐ-UBND ngày 02/6/2020).

Trên cơ sở hồ sơ REDD+, cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Dự án Trường Sơn Xanh do USAID tài trợ, UBND tỉnh Quảng Nam đã lập Báo cáo đánh giá khả thi về cơ hội đầu tư vào carbon từ REDD+ và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư/người mua tiềm năng, đồng thời tỉnh đã xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ và được thống nhất về chủ trương cho tỉnh Quảng Nam nghiên cứu, lập Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng (Công văn số 3479/VPCP-NN ngày 26/5/2021 của Văn phòng Chính phủ).

Cánh rừng nguyên sinh xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang.
Cánh rừng nguyên sinh xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang.

Đối với thành phố Đà Nẵng, tuy diện tích tự nhiên nhỏ hơn nhiều lần so với Quảng Nam nhưng mật độ che phủ rừng của thành phố cũng cao hơn mức bình quân của cả nước. Với 63 nghìn ha rừng, chủ yếu tập trung ở xã Hòa Bắc, Hòa Ninh, Hòa Sơn (huyện Hòa Vang), riêng địa bàn xã Hoà Bắc có tổng diện tích rừng tự nhiên là 34 nghìn ha, trong đó diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp là 23 nghìn ha. Tính chung, hệ sinh thái rừng thành phố Đà Nẵng có độ che phủ 46%, chủ yếu là rừng đặc dụng.

Ngoài ra, thành phố Đà Nẵng còn có khoảng 4400 ha rừng khu bảo tồn thiên nhiên thuộc bán đảo Sơn Trà là lá phổi xanh của thành phố.

Theo ước tính, nếu thành phố Đà Nẵng tham gia thị trường tín chỉ carbon tự nguyện, các chủ rừng có thể thu về hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Số tiền này có thể tái đầu tư trang thiết bị bảo vệ rừng. Nguồn thu từ bán tín chỉ carbon rừng có thể thay đổi sinh kế của hàng ngàn hộ gia đình đang sống dựa vào rừng…

CÒN RÀO CẢN VƯỚNG MẮC

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, việc kinh doanh tín chỉ carbon hiện vẫn còn nhiều khó khăn và rào cản, bởi Quảng Nam là địa phương thí điểm đầu tiên (trên thị trường tự nguyện) nên chưa có kinh nghiệm và chưa đảm bảo nguồn lực về kỹ thuật, tài chính để thực hiện kinh doanh tín chỉ carbon từ REDD+. Trong khi đó, quy định luật pháp Việt Nam chưa cụ thể và chưa định hướng rõ ràng trong cách tiếp cận về lĩnh vực này nên khó triển khai thực hiện.

Mặc dù các đối tác tiềm năng cam kết hỗ trợ tỉnh Quảng Nam xây dựng dự án đảm bảo theo các tiêu chuẩn mới nhất nhằm bán được tín chỉ carbon với giá cao nhất, trường hợp không phát hành và bán được tín chỉ thì các đối tác cam kết rằng tỉnh Quảng Nam sẽ không phải hoàn trả kinh phí đầu tư ban đầu và xem đó như một rủi ro trong kinh doanh.

Nhưng để có cơ sở hoàn trả vốn đầu tư ban đầu của các nhà đầu tư, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị gửi Thủ tướng Chính phủ thống nhất cho lựa chọn nhà đầu tư để hoàn thiện Hồ sơ tín chỉ carbon rừng từ REDD+ tỉnh Quảng Nam (tại Tờ trình số 6986/TTr-UBND ngày 25/10/2022).

Tuy nhiên, ý kiến của Tổng cục Lâm nghiệp tại Công văn số 686/TCLN-KHTC ngày 04/5/2023 cho rằng: “Việc tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu hay nhà đầu tư để hoàn thiện hồ sơ tín chỉ carbon rừng từ REDD+ của tỉnh Quảng Nam thực hiện theo quy định của luật đấu thầu. Việc xem xét, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Quảng Nam”. Vì vậy, việc lựa chọn nhà đầu tư phải thực hiện theo luật đấu thầu là rất khó khăn.

Trong khi đó, dự án kinh doanh tín chỉ carbon rừng của 06 tỉnh Bắc Trung bộ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nôn thôn thực hiện theo chương trình FCPF REDD+ là trên thị trường bắt buộc còn Quảng Nam đang thí điểm trên thị trường tự nguyện.

Được biết, hiện Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng, suy thoái rừng; quản lý bền vững tài nguyên rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon rừng (REDD+) tại tỉnh Quảng Nam trình Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa được phê duyệt.

Cùng với đó, Việt Nam chưa có quy định về hạn mức đóng góp NDC (đóng góp do quốc gia cam kết về ứng phó với khí hậu, bao gồm mục tiêu thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chính sách và biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris) của từng địa phương, nên khi phát hành tín chỉ sẽ không thể xác định lượng tín chỉ có thể bán được là bao nhiêu.

Ngoài ra, về quyền sở hữu carbon rừng theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP mặc dù đã xác định rõ quyền tín chỉ là của địa phương, tuy nhiên hiện nay Nghị định sửa đổi vẫn chưa được ban hành.

Mặc dù tiến trình phê duyệt, phát hành và kinh doanh tín chỉ carbon rừng còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc nhưng lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng vẫn khẳng định đang sẵn sàng hợp tác với các nhà đầu tư tiềm năng quan tâm đến lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đang gấp rút tập trung hoàn chỉnh Hồ sơ dự án đảm bảo theo tiêu chuẩn phiên bản mới nhất và trình VERA phê duyệt, phát hành tín chỉ nhằm có thể bán được tín chỉ carbon rừng ra thế giới với giá cao; đồng thời thúc đẩy tiến trình phê duyệt Đề án của Chính phủ nhằm thảo gỡ những rào cản vướng mắc nêu trên.

Comments