Một cách khác dễ hiểu hơn, đây là loại hình thị trường mà hàng hóa này được trao đổi, mua bán thông qua lượng khí nhà kính (KNK) được giảm (phát thải hoặc hấp thụ) trong quá trình hoạt động giữa bên mua và bên bán.
Những lợi ích thiết thực
Thị trường carbon với các quy định rõ ràng, cụ thể, công bằng, minh bạch, hoạt động trên cơ chế định giá carbon và nguyên tắc “Thuận mua – vừa bán”, “Người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Các quốc gia, chính phủ đạt được lợi ích giảm phát thải, tái cấu trúc nền kinh tế và sớm đạt được mục tiêu trung hòa carbon và hơn nữa là Net zero.
Các doanh nghiệp (DN) bán hạn ngạch hay tín chỉ sẽ thu được khoản lợi nhuận, từ đó tái cấu trúc thêm cho DN và tiếp tục nỗ lực giảm phát thải. Bên mua sẽ có lợi để đảm bảo chấp hành đúng các quy định của khu vực, quốc gia về phân bổ hạn ngạch và thuận lợi trong quá trình tham gia xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường như EU, Mỹ…
Tại Việt Nam, các hoạt động tham gia thị trường carbon quốc tế đã được nhiều bên liên quan thực hiện, thông qua các dự án thuộc Cơ chế phát triển sạch (CDM) từ những năm 2005, và sau này là các dự án được triển khai theo các cơ chế GS, VCS… Tính đến cuối năm 2022, đã có tổng cộng 29,4 triệu tín chỉ carbon từ cơ chế CDM, khoảng 10 triệu tín chỉ carbon hình thành từ cơ chế GS, VCS…
Một trong những yếu tố quan trọng trong việc thiết kế thị trường carbon trong nước là việc phân bổ hạn ngạch. Theo Khoản 2 Điều 2 Nghị định 06/NĐ-CP ngày 7-1-2022, về giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-zôn, phương pháp phân bổ hạn ngạch sẽ dựa trên “định mức phát thải KNK trên đơn vị sản phẩm”. Các hạn ngạch phát thải sẽ được phân bổ giảm dần theo thời gian (căn cứ trên tổng hạn ngạch cho từng cơ sở, DN để đảm bảo các cam kết về giảm phát thải Net zero được thực hiện theo lộ trình.
Cụ thể, khi tham gia thị trường carbon, về lâu dài các cơ sở, DN phát thải sẽ phải sử dụng các nghiên cứu, áp dụng các giải pháp công nghệ để giảm phát thải từ nguồn lực nội bộ (tiết kiệm năng lượng, thay đổi công nghệ, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo hoặc nâng cấp công nghệ sản xuất sạch hơn…), hoặc nghiên cứu những phương án lưu trữ, hấp thụ carbon (trồng cây…). Việc lựa chọn các biện pháp giảm phát thải, bù trừ phát thải sẽ dựa trên phân tích chi phí lợi ích của các biện pháp và chiến lược của từng DN.
Tích hợp, hội nhập và liên thông toàn cầu
Thị trường carbon tại Việt Nam phải được xây dựng theo hướng tích hợp, hội nhập và liên thông tới các thị trường carbon toàn cầu. Việc liên thông tới các hệ thống giao dịch này (bao gồm thị trường carbon bắt buộc và thị trường carbon tự nguyện) sẽ giúp quản lý tốt hơn về các mục tiêu giảm phát thải của các quốc gia, DN và minh bạch trong quá trình chuyển nhượng, trao đổi, bù trừ hạn ngạch phát thải, tín chỉ carbon giữa các quốc gia, khu vực và các tổ chức, DN.
Các tín chỉ carbon khi được trao đổi, bù trừ trên thị trường carbon phải đáp ứng được các tiêu chí của quốc gia, phải đảm bảo bằng hoặc cao hơn so với các tiêu chí, phương pháp luận của các hệ thống chứng nhận tiêu chuẩn carbon uy tín trên thế giới (GS, VCS…). Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, cơ sở, DN tham gia, đầu tư các dự án giảm phát thải, tạo tín chỉ carbon theo các quy định, tiêu chí của quốc gia, hoặc các hệ thống tiêu chuẩn carbon trên thế giới.
Sàn giao dịch tín chỉ carbon cần được vận hành khớp lệnh và trả kết quả giao dịch theo thời gian thực, phải hỗ trợ kết nối, liên thông tới các sàn và hệ thống giao dịch carbon trên thế giới. Các nguồn thu tài chính cho quốc gia từ thị trường carbon để tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, tuần hoàn và phát triển bền vững.
Nghiên cứu những tác động, ảnh hưởng cho các lĩnh vực, ngành hàng, sản phẩm bị áp theo quy định, cơ chế, hàng rào thuế carbon xuyên biên giới của các nước, khu vực đang phát triển (EU, Mỹ…). Trong thời gian tới, cơ chế CBAM sẽ được áp dụng. Theo đó, từ tháng 10-2023 các DN nhập khẩu phải kê khai lượng phát thải cho 6 lĩnh vực hàng hóa và bắt đầu áp dụng thu thuế CBAM từ năm 2026.
Vì thế, việc sớm xây dựng và đi vào vận hành thị trường carbon sẽ giúp tăng cơ hội đàm phán, giảm thuế carbon phải nộp khi xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường, qua đó giữ lại được nguồn tài chính để phát triển, đầu tư vào các dự án xanh, phát triển bền vững, giảm phát thải trong nước, đóng góp vào mục tiêu giảm nhẹ phát thải KNK quốc gia và toàn cầu, góp phần vào thực hiện cam kết mục tiêu Net zero của quốc gia vào năm 2050.
Giả sử giá hạn ngạch phát thải KNK trên thị trường là 100 USD/hạn ngạch; giá tín chỉ carbon trao đổi, bù trừ trên thị trường là 30 USD/tín chỉ. DN A đã phát thải trên thực tế vượt 5.000 tCO2e so với hạn ngạch phát thải miễn phí được phân bổ.
Vì vậy, để tuân thủ quy định thị trường carbon trong nước, DN A có 2 phương án; (1) Mua thêm 5.000 hạn ngạch phát thải tương đương 500.000USD (hoặc thông qua hình thức đấu giá hạn ngạch phát thải theo quy định nhà nước). (2) Mua tối đa 4.000 hạn ngạch phát thải và 1.000 tín chỉ carbon trên thị trường. Tổng chi phí phát sinh 430.000USD.
DN B phát thải ít hơn 10.000 tCO2e hạn ngạch phân bổ miễn phí. Lợi nhuận cho quá trình bán lượng hạn ngạch phát thải dư này cho DN A hoặc các cơ sở, DN khác là 1.000.000USD hoặc chuyển giao lượng hạn ngạch phát thải dư thừa để sử dụng trong các giai đoạn cam kết tiếp theo.
Tham gia thị trường carbon mang lại nhiều lợi ích cho địa phương, DN, khi vừa tạo ra nguồn doanh thu vừa nâng cao hình ảnh và tăng tính cạnh tranh.