Hệ thống giao dịch phát thải (ETS): Là hệ thống được chính phủ thiết lập, qua đó đặt giới hạn phát thải cho các cơ sở phát thải được quản lý bởi ETS qua việc phân bổ hạn ngạch phát thải KNK. Các cơ sở phát thải được quản lý bởi ETS có quyền giao dịch các hạn ngạch phát thải này với nhau nhằm tối ưu hóa chi phí giảm phát thải. Ngoài ra, các cơ sở được quản lý bởi ETS cũng có thể thực hiện các biện pháp giảm phát thải nội bộ hoặc mua tín chỉ carbon được chính phủ công nhận để bù trừ cho lượng phát thải của mình. Trường hợp không tuân thủ, doanh nghiệp có thể bị phạt gấp nhiều lần giá hạn ngạch.
Hình 1: Các biện pháp giảm phát thải của doanh nghiệp khi tham gia vào ETS
Hệ thống giao dịch phát thải (ETS) là một công cụ thị trường được chính phủ sử dụng để kiểm soát và giảm dần lượng phát thải KNK trong một số ngành, lĩnh vực hoặc trên toàn bộ nền kinh tế. ETS hoạt động theo nguyên tắc “đặt hạn mức (Cap) và giao dịch (Trade)”. Trong đó, hạn mức (Cap) là giới hạn đối với tổng lượng phát thải của một một doanh nghiệp hay một hoặc nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Hạn mức này sẽ giảm theo thời gian để đảm bảo tính hiệu quả giảm phát thải của hệ thống. Yếu tố thứ hai liên quan đến ETS là phân bổ hạn ngạch (Allowances allocation) tức là sau khi xác định được hạn mức phát thải của ETS, chính phủ sẽ phân bổ lượng hạn ngạch tương ứng cho các cơ sở phát thải trong ETS, 1 hạn ngạch tương đương việc được phép phát thải 1 tCO2tđ.
Hạn ngạch có thể được phân bổ miễn phí (dựa trên lượng phát thải lịch sử hoặc cường độ phát thải trung bình của một doanh nghiệp) hoặc được đấu giá. Các cơ sở trong ETS có thể giao dịch các hạn ngạch được phân bổ này với nhau tạo sự linh hoạt cho các doanh nghiệp phát thải thấp có thể có nguồn thu từ bán lượng hạn ngạch dư thừa và các doanh nghiệp phát thải cao quá hạn mức có thể lựa chọn cách thức phù hợp để đảm bảo tổng phát thải trong hạn mức cho phép. Ngoài ra, chính phủ cũng cần quyết định lĩnh vực nào của nền kinh tế và KNK nào sẽ được ETS kiểm soát. Về mặt lý thuyết, một ETS với phạm vi bao phủ rộng khắp các lĩnh vực và KNK sẽ hiệu quả nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, có thể một số ngành rất khó để đo lường và báo cáo lượng phát thải KNK trong khi các ngành khác rất khó để giảm lượng phát thải KNK do các yếu tố về chính sách, kinh tế.
Cơ chế ETS có thể được minh họa rõ hơn trong ví dụ sau: Hai cơ sở phát thải A và B cùng thuộc đối tượng tham gia ETS. Tổng lượng hạn ngạch phát thải KNK (được phân bổ miễn phí và từ đấu giá) được phân bổ của doanh nghiệp A và B lần lượt là 100.000 tCO2tđ và 160.000 tCO2tđ. Sau một giai đoạn cam kết, lượng phát thải thực tế của cơ sở A và B lần lượt là là 50.000 tCO2tđ và 240.000 tCO2tđ. Cơ sở A có lượng phát thải thực tế ít hơn lượng phát thải được phép xả ra khí quyển (hạn ngạch được phân bổ) là 50.000 tCO2 tđ (tương đương 50 hạn ngạch phát thải), cơ sở B có lượng phát thải thực tế cao hơn lượng phát thải được phép xả ra khí quyền là 80.000 tCO2tđ (tương đương 80 hạn ngạch). Như vậy, để tuân thủ theo quy định của pháp luật và đảm bảo lượng phát thải thực tế của mình không vượt quá lượng hạn ngạch phát thải được phân bổ, cơ sở B sẽ phải cân nhắc thực hiện một trong các biện pháp sau: i) sử dụng tín chỉ carbon để bù trừ lượng phát thải (lượng tín chỉ được sử dụng để bù trừ có thể được quy định khác nhau, thường dưới 10% lượng tổng hạn ngạch doanh nghiệp được phân bổ để đảm bảo hiệu quả ETS); ii) mua thêm hạn ngạch thừa từ cơ sở A hoặc cơ sở khác để bù trừ cho lượng hạn ngạch còn thiếu; iii) sử dụng các biện pháp giảm phát thải từ nguồn lực nội bộ (tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo hoặc nâng cấp công nghệ sản xuất sạch hơn…). Việc lựa chọn các biện pháp giảm phát thải, bù trừ phát thải sẽ dựa trên phân tích chi phí lợi ích của các biện pháp và chiến lược của từng doanh nghiệp.
Hình 2: Minh họa cách hoạt động của một ETS
Qua minh họa trên, có thể thấy khi tham gia vào ETS, doanh nghiệp A thông qua việc giảm lượng phát thải KNK có thể có thêm doanh thu từ việc bán các hạn ngạch phát thải dư thừa cho các doanh nghiệp thiếu hạn ngạch. Trong khi đó, cơ sở B sẽ phải lựa chọn thực hiện các biện pháp giảm phát thải để đảm bảo phát thải của mình không vượt quá lượng hạn ngạch được phân bổ. Thiết kế ETS thường hướng tới việc giảm dần lượng hạn ngạch được phân bổ cho các doanh nghiệp theo thời gian, điều này này dẫn đến giá của hạn ngạch tăng lên, các cơ sở sẽ phải thực hiện các biện pháp giảm phát thải bằng chính nguồn lực của mình thay vì sử dụng tín chỉ carbon hay mua hạn ngạch thừa trên thị trường. Đây chính là mục tiêu giảm phát thải bền vững của một hệ thống ETS.
Vai trò của cơ chế tín chỉ carbon trong hệ thống giao dịch phát thải
Như đã phân tích ở trên, phần lớn các ETS đều cho phép các cơ sở phát thải được phép sử dụng tín chỉ carbon để bù trừ cho lượng phát thải của mình như một cơ chế linh hoạt giúp các cơ sở phát thải đa dạng hóa các biện pháp giảm phát thải trong điều kiện chi phí giảm phát thải bằng nguồn lực nội bộ và giao dịch hạn ngạch phát thải là không đủ hoặc chi phí từ việc giảm phát thải nội bộ quá cao. Một trong những ưu điểm chính của cơ chế tín chỉ carbon trong một ETS là tối đa hóa các hoạt động giảm phát thải từ các lĩnh vực không thuộc hoặc khó đưa vào phạm vi ETS. Một vài lĩnh vực sẽ khó có thể đưa được vào phạm vi của một ETS do yếu tố kỹ thuật hay các yếu tố khác, ví dụ như lâm nghiệp hay nông nghiệp (phần lớn các ETS trên thế giới đều không bao gồm các cơ sở phát thải trong ngành lâm nghiệp và nông nghiệp trừ ETS của New Zealand). Dù vậy, hầu hết các ETS trên thế giới đều chấp nhận việc sử dụng tín chỉ carbon được tạo ra từ các dự án trồng rừng, bảo vệ rừng, chống suy thoái rừng hay giảm phát thải từ nông nghiệp. Điều này góp phần thúc đẩy các hoạt động, ý tưởng giảm phát thải từ các lĩnh vực không được đưa vào phạm vi của ETS, tạo điều kiện thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có thể tạo ra tín chỉ vốn gặp nhiều khó khăn về tài chính.
Tuy nhiên, bên cạnh một số ưu điểm, việc triển khai cơ chế tín chỉ carbon cũng đặt ra nhiều thách thức, chẳng hạn: nếu tín chỉ carbon không bị giới hạn hoặc các cơ chế đăng ký tín chỉ carbon không chặt chẽ, không đạt được các tiêu chí kể trên, việc đăng ký và ban hành tín chỉ carbon sẽ trở nên dễ dàng dẫn đến các cơ sở phát thải thuộc ETS thay vì sử dụng các biện pháp giảm phát thải bằng nguồn lực nội bộ (là biện pháp bền vững cũng như là mục tiêu chính của ETS) sẽ sử dụng tín chỉ carbon để bù trừ cho phát thải của mình. Ví dụ điển hình nhất chính là ETS châu Âu pha 1, 2, 3, do số lượng tín chỉ carbon chi phí thấp và có sẵn được ban hành theo Cơ chế Phát triển sạch (CDM) khiến giá của hạn ngạch phát thải cũng như số lượng hạn ngạch dư thừa tăng dẫn đến không tạo ra động lực giảm phát từ nguồn lực nội bộ của các cơ sở phát thải thuộc EU-ETS, bởi vậy lượng tín chỉ được phép sử dụng trong ETS của châu Âu đã được điều chỉnh, cụ thể: từ 100% lượng phát thải được phép sử dụng để bù trừ phát thải trong pha 1 đến việc ngày càng thắt chặt tỷ lệ bù trừ và có thể hoàn toàn loại bỏ việc sử dụng cơ chế tín chỉ carbon trong hệ thống EU-ETS.
Ngoài ra, cơ chế tín chỉ carbon không chỉ được sử dụng trong ETS mà còn có thể được sử dụng trên thị trường carbon tự nguyện.
Còn nữa:
Tổng hợp: Nguồn từ quốc tế và Pannature