Báo cáo về Khoảng cách Phát thải của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) công bố cùng ngày cho biết, nếu mức độ ứng phó với biến đổi khí hậu như hiện nay, nhiệt độ trung bình của Trái Đất sẽ tăng thêm 3,1 độ C trong thế kỷ này, gấp đôi mức tăng nhiệt đã được nhất trí trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ký kết gần 10 năm trước tại Paris (Pháp). Nhiệt độ trung bình toàn cầu hiện tăng thêm khoảng 1,3 độ C.
Theo báo cáo, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu đã tăng 1,3% từ năm 2022-2023, lên mức cao mới là 57,1 gigaton CO2 tương đương. Với các cam kết hiện tại, nhiệt độ vẫn được dự báo sẽ tăng thêm khoảng 2,6 độ C – 2,8 độ C vào năm 2100. Điều này tương tự như những phát hiện trong 3 năm qua.
Trẻ em làm mát trong ngày nắng nóng gay gắt ở Dhaka, Bangladesh, ngày 29-4-2024. Ảnh: TTXVN |
Báo cáo nhấn mạnh thập kỷ tới rất quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Nếu không hành động, hy vọng hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C có nguy cơ sẽ tiêu tan.
UNEP đánh giá về mặt kỹ thuật, mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu dưới 1,5 độ C vẫn khả thi, nhưng chỉ có thể đạt được khi lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính giảm đáng kể vào năm 2035. Báo cáo cho rằng các quốc gia phải cùng nhau cam kết và thực hiện cắt giảm 42% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính hằng năm vào năm 2030 và đạt 57% vào năm 2035 thì mới có hy vọng ngăn đà tăng nhiệt ở mức dưới 1,5 độ C.
UNEP cho biết những tiến bộ về năng lượng mặt trời và gió, 2 công nghệ đã được chứng minh tiết kiệm chi phí, có thể giúp giảm mạnh khí thải, nhưng đầu tư vào các giải pháp cắt giảm carbon này cần tăng gấp 6 lần để đạt được mục tiêu giữ mức tăng nhiệt ở 1,5 độ C. Với quy mô như vậy, giới khoa học và các nhà hoạch định chính sách cho rằng thế giới khó có thể đạt được mục tiêu này.
Ông Guterres bày tỏ lo ngại cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”. Tổng thư ký Guterres nhận định các quốc gia thuộc Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) nói riêng sẽ cần thể hiện nhiều tham vọng hơn nữa trong vòng cam kết về khí hậu tiếp theo, đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), dự kiến diễn ra vào tháng 2-2025.
Ông David King, thuộc Nhóm tư vấn về khủng hoảng khí hậu, cho biết những cam kết này là “cơ hội cuối cùng tốt nhất của chúng ta để thay đổi lộ trình. Nhằm tránh viễn cảnh nhân loại phải chật vật để tồn tại, các quốc gia phải tận dụng cơ hội trong năm tới”.
Lời kêu gọi trên được đưa ra chỉ vài tuần trước khi các quốc gia tham dự Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) tại Azerbaijan vào tháng 11 tới để xây dựng thỏa thuận đã đạt được vào năm 2023 về quá trình chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch. Các cuộc đàm phán ở Baku sẽ giúp cung cấp thông tin về chiến lược NDC. Giám đốc điều hành của UNEP, ông Inger Andersen hối thúc các nước tận dụng các cuộc đàm phán tại Baku để tăng cường hành động nhằm cắt giảm khí thải.
Theo: Thông tấn xã Việt Nam