“Tín chỉ carbon hiện đang là tài nguyên hấp dẫn trong bối cảnh cả thế giới đi theo xu hướng phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tiếp cận và nắm được cách thức giao dịch tín chỉ carbon” – TS Nguyễn Quốc Trung (Trung tâm Bảo vệ Môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu) đưa quan điểm.
– Việt Nam đã sản xuất được tín chỉ carbon và có giao dịch mua bán. Theo ông, Việt Nam có lợi thế gì khi gia nhập thị trường carbon?
Việt Nam có nguồn lợi lớn về tín chỉ carbon. Diện tích rừng phong phú và đa dạng có thể quy đổi sang tín chỉ carbon. Nếu biết khai thác hiệu quả, sẽ có nguồn kinh phí lớn để nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, đồng thời, góp phần không nhỏ bảo vệ và phát triển rừng tại Việt Nam.
Mới đây, Ngân hàng thế giới đã tài trợ Việt Nam số tiền hàng chục triệu USD để kiểm kê tín chỉ carbon. Trong đó, Ngân hàng Thế giới chỉ giữ 5% lượng tín chỉ, còn lại sẽ dành cho Việt Nam. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất điện gió, điện mặt trời có thể tạo ra những tín chỉ carbon có thể trao đổi và mua bán.
– Hiện cơ chế hành lang pháp lí cho thị trường mua bán tín chỉ carbon này ra sao, thưa ông?
Việt Nam đang triển khai ngày càng rõ rệt lộ trình phát triển thị trường tín chỉ carbon và giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Hiện nay có năm lĩnh vực liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính gồm: năng lượng, giao thông, lâm nghiệp, môi trường và xây dựng.
Tuy nhiên mới chỉ có duy nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra được Thông tư số 17/2021/TT-BTNMT hướng dẫn Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết việc giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozon và phát triển thị trường carbon.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam không biết mua tín chỉ carbon ở đâu và giao dịch bằng hình thức nào. Cơ chế hành lang pháp lí nước ta vẫn chưa có quy định cụ thể nên doanh nghiệp vẫn mua bán theo hình thức tự nguyện trên trường quốc tế. Thị trường carbon của nước ta mới chỉ đang manh nha hình thành và chưa có văn bản quy định chính thống.
– Từ tháng 10.2023, Liên minh Châu Âu EU áp hàng rào liên quan đến thuế carbon. Nếu doanh nghiệp không bù trừ carbon, sản phẩm không xuất khẩu được vào Châu Âu. Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam đã bắt nhịp được với thị trường giao dịch carbon quốc tế chưa?
Đối với Net Zero, nhiều doanh nghiệp nhận thức sớm đã chuẩn bị “hành trang” hơn chục năm nay. Nhưng về tín chỉ carbon thì đa phần doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nắm bắt được cơ hội, chưa tiếp nhận được những thông tin cần thiết.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp còn không biết mình nằm trong quyết định phải kiểm kê khí nhà kính, không nhận thức được cần phải làm gì.
– Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam cần phải hành động như thế nào để bắt kịp xu thế giảm phát thải khí nhà kính?
Doanh nghiệp có thể giải quyết phát thải ra môi trường bằng cách kêu gọi đầu tư để nâng cấp dây chuyền, cải tiến công nghệ. Nếu doanh nghiệp không chuyển mình, sử dụng máy móc cũ sẽ tốn nhiều nhiên liệu và gây ô nhiễm môi trường.
Để thuận lợi xuất khẩu hàng hoá sang thị trường quốc tế, các doanh nghiệp phải tiến hành kiểm kê khí phát thải nhà kính. Căn cứ vào quy định của Nhà nước để biết doanh nghiệp đang cần phải bù trừ ra sao?
Doanh nghiệp thừa số lượng so với Nhà nước cấp thì có thể để cho năm sau hoặc giao dịch để thu lợi nhuận. Nếu doanh nghiệp đang còn thiếu thì phải mua tín chỉ carbon hoặc cải thiện công nghệ. Doanh nghiệp biết cách nắm bắt cơ hội để cải tiến thì có thể thu được lợi nhuận khổng lồ từ giao dịch tín chỉ carbon.
– Ngoài những quy định và bộ luật, Việt Nam cần xây dựng những cơ sở vật chất nào để đảm bảo cho quá trình giám sát, đo lường quá trình phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp?
Để hình thành và phát triển thị trường carbon ở Việt Nam, cần xây dựng, ban hành hệ thống kiểm kê khí nhà kính, hệ thống giám sát phát thải khí nhà kính… một cách minh bạch, chính xác theo tiêu chuẩn quốc tế.
Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm kê phát thải nhà kính. Việt Nam thiếu trầm trọng các đơn vị đủ chức năng, tiêu chuẩn để tiến hành kiểm kê và thẩm định lượng phát thải kính. Rất nhiều đơn vị muốn thực hiện nhưng không đạt được tiêu chuẩn. Kiểm kê khí nhà kính phải dựa trên sự công nhận của quốc tế nên các đơn vị phải có đủ đội ngũ chuyên gia để thành lập được hội đồng để thẩm định.
Quá trình Việt Nam tiến gần đến với thị trường tín chỉ carbon còn gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nhập cuộc để không bị thị trường quốc tế bỏ lại phía sau.
Nguồn: Laodong.vn