Biến đổi khí hậu

Lướt TikTok, Facebook cũng phát thải CO2

quanly
2023/12/20 - 9:52:26

Trong bối cảnh một phút lướt Facebook, TikTok, YouTube cũng phát thải CO2, doanh nghiệp cần tiến lên một phiên bản khác trong chiến lược kinh doanh thay vì chỉ nghĩ đến làm kinh tế, không quan tâm đến vấn đề môi trường và trách nhiệm xã hội.

Xu thế tất yếu

Kể từ khi mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính (KNK) bằng 0 vào năm 2050 được chính thức đưa vào Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, việc kiểm soát và báo cáo kiểm kê KNK đã trở thành một hoạt động bắt buộc của rất nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Ngày 18/1/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK.

Theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK do Chính phủ ban hành ngày 18/1/2022, 6 lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê KNK gồm: năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, các quá trình công nghiệp, nông- lâm nghiệp và sử dụng đất, chất thải.

Giới chuyên gia cho rằng, các cơ sở, lĩnh vực thuộc danh mục của Quyết định 01/2022/QĐ-TTg đã và đang ráo riết tìm hiểu và thực hiện những hoạt động cần thiết để đo lường, kiểm kê và báo cáo KNK theo quy định.

Tuy vậy, ở cấp độ DN, đây vẫn là một vấn đề tương đối mới và rất cần có những hướng dẫn kỹ thuật để tuân thủ thực hiện.

Tại hội thảo kỹ thuật về phát triển bền vững với chủ đề “Giải pháp ESG: Hành trình Net Zero và tín chỉ carbon” ngày 15/12 tại Hà Nội, ông Tô Thanh Sơn – Giám đốc Phát triển bền vững SGS Việt Nam cho biết, lâu nay DN chỉ quan tâm tính toán chi phí nội bộ trong phạm vi công ty. Trong khi đó, bối cảnh hiện nay phát sinh chi phí từ bên ngoài vào, đó là chi phí phát thải CO2.

Ông Tô Thanh Sơn – Giám đốc Phát triển bền vững SGS Việt Nam.

Theo thống kê, các mặt hàng từ vật liệu xây dựng đến quần áo, thực phẩm đều có lượng phát thải khí nhà kính ở mức cao. Trong đó, sản xuất 1 tấn than đá thải ra 2 tấn CO2, sản xuất 1 kg thịt bò có tới 99,8 kg CO2, sản xuất 1 chiếc áo T-shirt lượng CO2 thải ra là 7kg.

“Đáng chú ý, lướt Facebook trong 1 phút theo tính toán cũng phát thải ra 0,79g CO2, trong khi đó với TikTok là 2,63 g CO2 và YouTube là 0,46g. Các đơn vị này cũng đang lên lộ trình giảm phát thải Net Zero vào năm 2050 để khi người dùng lướt Facebook, YouTube hay TikTok không còn phát thải nữa”, ông Sơn cho hay.

Bối cảnh hiện nay đòi hỏi DN phải đáp ứng các yêu cầu về pháp lý cũng như yêu cầu của thị trường nhập khẩu với các quy định về kiểm soát phát thải KNK.

Theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ozone đến năm 2026, cần phải xây dựng, phê duyệt kế hoạch giảm nhẹ phát thải KNK giai đoạn 2026 – 2030 theo các quy trình được hoạch định.

Nếu 1 công ty con trong tập đoàn cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 thì DN đó buộc phải tiến hành kiểm kê KNK, đưa ra chương trình tỷ lệ phát thải khí CO2. Giảm CO2 đồng nghĩa với giảm năng lượng hoá thạch, giảm chi phí và giảm giá thành.

“Từ việc trung hoà carbon, kiểm soát carbon, thời gian tới sẽ có cuộc cách mạng liên quan đến tái lựa chọn và tái đánh giá lại nhà cung cấp. Một phần nguyên nhân liên quan đến phát thải carbon sẽ phải tính phí. Chỉ khi nào DN sản xuất ra sản phẩm với chi phí thấp, phát thải ròng bằng 0 thì sẽ không phải trả phí CO2. Ngược lại sản phẩm của DN có phát thải CO2 ở mức cao thì ngoài chi phí nội bộ phải “gánh” thêm chi phí CO2 từ bên ngoài, từ đó đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Hệ quả là DN sẽ mất lợi thế cạnh tranh”, ông Sơn chia sẻ.

Những DN nào thực hiện hoạt động kiểm kê, có đưa ra chương trình giảm thiểu sẽ được đối tác lựa chọn. Đây là xu thế không thể tách rời với phát triển bền vững.

Không nên “cân đo đong đếm” về ESG

Bên lề hội thảo, ông Sơn cho biết, kiểm kê KNK là một trong những hoạt động khá mới ở Việt Nam. DN mới đang bắt đầu của quá trình thu thập dữ liệu và tính toán nên gặp phải những khó khăn nhất định.

DN còn khá mơ hồ và loay hoay về việc phân loại từng phạm vi. Trong từng phạm vi phải thu thập những số liệu gì?

“Là đơn vị thẩm tra nên khi thực hiện hoạt động thẩm tra tại các nhà máy, chúng tôi dùng các tiêu chuẩn để hướng dẫn, trình bày làm sao cho DN dễ hiểu nhất, giúp DN tiếp cận theo phương pháp logic, thu thập các thông tin chính xác hơn để đưa ra báo cáo kiểm kê”, Giám đốc Phát triển bền vững SGS Việt Nam nói.

Cũng theo ông Sơn, DN có nhân sự về môi trường là một lợi thế. Trong trường hợp DN không chủ động được nhân lực này thì phải đi học các lớp liên quan đến kiểm kê KNK hoặc có thể thuê đơn vị có chức năng hướng dẫn DN thu thập và đưa ra các phương pháp tính toán để cuối cùng có báo cáo kiểm kê.

Xu thế toàn cầu hiện nay là đầu tư và “nhắm” đến các DN thực hiện ESG – bộ tiêu chuẩn đo lường yếu tố môi trường, xã hội, quản trị DN. Do đó, mỗi lãnh đạo, mỗi DN nên hướng đến sứ mệnh phát triển bền vững trong chiến lược kinh doanh, đưa DN lên một phiên bản khác thay vì chỉ nghĩ đến làm kinh tế, không quan tâm đến vấn đề môi trường và trách nhiệm xã hội.

“Hướng đến ESG tức là DN đã nâng DN lên thành một phiên bản khác trong chiến lược kinh doanh. Đầu tư cho ESG sẽ mang lại giá trị phát triển bền vững trong tương lai, không nên nghĩ đó là chi phí. Nếu dừng lại ở suy nghĩ đây là chi phí rồi “cân đo đong đếm” thì đó là lối kinh doanh truyền thống, không thể tham gia “cuộc chơi” toàn cầu hiện nay”, ông Sơn nhấn mạnh.

Comments