Biến đổi khí hậu

Bộ trưởng TN&MT chỉ đạo phát triển quản lý tín chỉ các-bon

quanly
2024/05/13 - 9:14:25

Đó là chỉ đạo của Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh khi nghe Báo cáo về tình hình quản lý tín chỉ các-bon và phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam, sáng ngày 08/5/2024 tại Hà Nội.

Cùng dự cuộc họp có Thứ trưởng Lê Công Thành cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường: Cục Biến đổi khí hậu; Văn phòng Bộ; Vụ Pháp chế; Viện Khí tượng thuỷ văn và Biến đổi khí hậu; Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam; Thư ký Bộ trưởng.

Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh chủ trì cuộc họp

Thực tiễn việc sử dụng tiến chỉ các-bon trên thế giới

Tại cuộc họp được nghe đại diện Cục Biến đổi khí hậu báo cáo tình hình quản lý tín chỉ các-bon và phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.

Báo cáo cho biết, việc định giá các-bon là công cụ để thiết lập một giá trị kinh tế lên phát thải khí nhà kính (CO2) nhằm tạo ra động lực kinh tế cho giảm phát thải khí nhà kính; bao ngồm “thuế các-bon” và “thị trường các-bon”. Nhiều quốc gia áp dụng công cụ định giá các-bon để bổ sung việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính ngoài việc áp dụng công nghệ giảm phát thải.

Thuế các-bon, là một loại thuế được chính phủ áp dụng trực tiếp lên các loại nhiên liệu hoặc các nguồn phát thải các-bon. Thuế các-bon tăng giá thành của các sản phẩm và dịch vụ có liên quan đến sử dụng và phát thải các-bon, tạo động lực phi các-bon trong quá trình sản xuất và tiêu dùng.

Hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính là hệ thống hoạt động thông qua việc chính phủ phân bố hạn ngạch phát thải khí nhà kính (tương đương quyền phát thải) cho các cơ sở và cho phép các cơ sở mua, bán các hạn ngạch này trên thị trường. Các tổ chức có thể mua thêm hạn ngạch nếu cần hoặc bán lại khi có thặng dư. Các tổ chức sẽ bị phạt nếu phát thải quá lượng hạn ngạch sở hữu. Do đó, hệ thống trao đổi hạn ngạch còn được coi là thi trường các-bon tuân thủ.

Trên thế giới, hiện có 34 quốc gia, vùng lãnh thổ áp dụng thuế các-bon; 48 quốc gia, vùng lãnh thổ áp dụng hệ thống trao đổi hạn ngạch; một số quốc gia áp dụng hỗn hợp cả thuế các-bon và hệ thống trao đổi han ngạch. Các công cụ định giá các-bon được áp dụng hiện đang kiểm soát khoảng 11,6 tỷ tấn CO2, chiếm khoảng 23% tổng phát thải khí nhà kính toàn cầu trong năm 2023 (thuế chiếm 5%, thị trường các-bon nội địa chiếm 18%).

Theo báo cáo Đánh giá lần thứ 6 năm 2023 của Ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, giá các-bon toàn cầu cần đạt ít nhất 90USD/tCO2 để đạt được mục tiêu ngăn sự nóng lên của trái đất dưới 2°C.

Lần đầu thuế các-bon được áp dụng tại Phần Lan năm 1990. Hiện nay, mức thuế tại các quốc gia dao động lớn, từ 0,82 – 155,86 USD/tCO2, mức cao nhất được ghi nhận tại Uruguay và thấp nhất tại Ukraine.

Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, không áp thuế các-bon trực tiếp đối với lượng phát thải khí nhà kính nhưng đã có những loại thuế áp vào việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch (Điều 3 Luật thuế bảo vệ môi trường). Thuế bảo vệ môi trường tại Việt Nam áp đối với than, xăng, dầu; theo đó quy đổi mức thuế các-bon gián tiếp dao động từ 0,49 USD/tCO2 (than) đến 74,86 USD/tCO2 (xăng). Do đó, nếu Việt Nam áp dụng thuế các-bon sẽ phải tính lại mức thuế suất trên cơ sở hàm lượng các-bon (tấn CO2 tương đương) và phải điều chỉnh đối tượng chịu thuế cho phù hợp với cách tiếp cận áp thuế các-bon để tránh thuế chồng thuế.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, thuế các-bon được áp dụng thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính nhưng bị phản đối của người dân, doanh nghiệp dẫn đến tác động tiêu cực đối với nền kinh tế. Do đó, trong quá trình xây dựng Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan đề xuất áp dụng công cụ định giá các-bon là “Thị trường các-bon” (bao gồm hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon).

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại cuộc họp

Về thị trường các-bon có thị trường nội địa và thị trường quốc tế (gồm: thị trường tuân thủ; thị trường tự nguyện). Trong đó, thị trường tuân thủ ở thị trường quốc tế tại Điều 6 Thỏa thuận Paris.

Thị trường tuân thủ quốc tế khuyến khích các quốc gia, doanh nghiệp giảm phát thải khí nhà kính, hỗ trợ thực hiện NDC hoặc các mục tiêu giảm phát thải khín nhà kính bắt buộc khác. Các tổ chức, doanh nghiệp xây dựng, đăng ký dự án tạo tín chỉ các-bon theo quy trình, phương pháp luận do UNFCCC2 quy định (Điều 6.4) hoặc theo thỏa thuận song phương giữa hai quốc gia (Điều 6.2). Hàng hóa là “tín chỉ các-bon” được nước bán và nước mua phê duyệt, có điều chỉnh tương ứng trong NDC. Đối tượng chính tham gia là các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp quốc tế.

Tính đến ngày 02/5/2024 có 82 biên bản ghi nhớ/thỏa thuận ký kết về hợp tác song phương giữa theo Điều 6.2 Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu. Tổng cộng có 140 dự án thí điểm đã được triển khai, trong đó: 119 dự án thuộc Cơ chế tín chỉ chung của Nhật Bản (JCM) và 05 dự án đã thực hiện đầy đủ các quy định theo Điều 6 Thỏa thuận Paris. Một số quốc gia như Úc, Nhật Bản, Na Uy, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Điển, Thụy Sĩ đang tích cực trao đổi, đề xuất với các quốc gia khác đều thực hiện trao đối tín chỉ các-bon theo Điều 6 Thỏa thuận Paris. Việt Nam đang nhận được sự quan tâm của các đổi tác Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ.

Về cơ sở pháp lý phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam

Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định hình thành và phát triển thị trường tín chỉ các-bon trong nước và tham gia thị trường tín chỉ các-bon thế giới (điểm đ khoản 1 Điều 41) là một trong những nội dung quan trọng để quản lý phát thải khí nhà kính, song không có quy định hướng dẫn chi tiết.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định về tổ chức và phát triển thị trường các-bon trong nước (Điều 139) và được quy định chi tiết tại Nghi định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.

Theo đó, thị trường các-bon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Bộ Tài chính là cơ quan được giao chủ trì thành lập thị trường các-bon trong nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức vận hành thị trường các-bon trong nước và tham gia thị trường các-bon thế giới. Lộ trình triển khai thị trường các-bon trong nước chia làm hai giai đoạn: (i) Giai đoạn thí điểm từ năm 2025 đến năm 2027; (ii) Giai đoạn vận hành chính thức từ năm sau 2028.

Về việc chuẩn bị cho phân bổ hạn ngạch phát thải, thực hiện quy định tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật – (Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022). Các cơ sở sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, là cơ sở để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng hạn ngạch và tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính.

Triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 07/01/2022 hướng dẫn chi tiết về kiểm kê khí nhà kính; Thông tư số 17/2022/TTBTNMT ngày 15/11/2022 quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực chất thải. Bộ Công Thương đã ban hành quy định kỹ thuật cho lĩnh vực công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành quy định kỹ thuật cho lĩnh vực lâm nghiệp.

Về phí, lệ phí, Luật Phí và lệ phí năm 2015 ban hành danh mục lệ phí và giao Bộ Tài chính quy định lệ phí chuyển nhượng chứng chỉ, tín chỉ giảm phát thải khí nhà kính (tín chỉ các-bon). Tuy nhiên, đến nay quy định này chưa được ban hành,…

Trên cơ sở tình hình phát triển thị trường các-bon trên thế giới và trong nước, Cục Biến đổi khí hậu đã đề xuất các nội dung cần triển khai thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể, nhóm công việc chung về tổ chức và phát triển thị trường các-bon bao gồm: Ban hành quy định hướng dẫn về kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) cho các cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính; xây dựng Hệ thống đăng ký quốc gia về hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; Ban hành quy định, cơ chế tài chính đối với hạn ngạch và tín chỉ các-bon; Tăng cường năng lực cho các đơn vị thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Nhóm công việc về tổ chức và phát triển thị trường tuân thủ bao gồm: Hỗ trợ các cơ sở thực hiện kiểm kê khí nhà kính năm 2022, 2023 và 2024 cho các cơ sở dự kiến được phân bổ hạn ngạch phát thải KNK (nhiệt điện, sản xuất thép, sản xuất xi măng); Phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính; thiết lập và quản lý sàn giao dịch các-bon; Xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động của sàn giao dịch các-bon

Nhóm công việc về phát triển thị trường tự nguyện bao gồm: Ban hành kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực; Ban hành tiêu chuẩn về tín chỉ các-bon theo từng lĩnh vực; Ban hành quy định thực hiện các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon và quy định về điều chỉnh tương ứng; Kết nối, trao đổi tín chỉ các-bon trong nước với thị trường các-bon khu vực và thế giới.

Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị đã phát biểu ý kiến thảo luận, góp ý cho các nội dung liên quan đến tăng cường quản lý tín chỉ các-bon và phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.

Thứ trưởng Lê Công Thành yêu cầu Cục Biến đổi khí hậu lưu ý các đề xuất để triển khai các công việc trong thời gian tới, đặc biệt là hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP và triển khai Chỉ thị số Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 2/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý tín chỉ các-bon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định. Trong đó, phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy nhanh nghiên cứu thiết lập Hệ thống đăng ký quốc gia để quản lý được các chương trình, dự án tạo tín chỉ, việc trao đổi tín chỉ và quản lý hạn ngạch phát thải khí nhà kính.

Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, giảm phát thải khí nhà kính là xu thế chung của thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này và có thể tận dụng các cơ hội để phát triển, làm sao để đem lại lợi ích lớn nhất từ quá trình chuyển đổi theo hướng phát thải thấp. Trong kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực, các Bộ quản lý cần chỉ rõ lượng giảm phát thải sẽ đóng góp cho thực hiện mục tiêu NDC nhằm đảm bảo nghĩa vụ của Việt Nam đối với quốc tế.

Toàn cảnh cuộc họp

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh thống nhất với các ý kiến của Thứ trưởng Lê Công Thành, đồng thời, giao Cục Biến đổi khí hậu là cơ quan đầu mối để phối hợp với các đơn vị trong và ngoài bộ, địa phương để xây dựng các chương trình thực hiện quản lý tín chỉ các-bon và phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.

Trong đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị Cục Biến đổi khí hậu bám sát Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 2/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu lần lượt các Bộ Công thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và phát triển nông thôn và cuối cùng là Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng thực hiện các nhiệm vụ để tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon nhằm thúc đẩy phát triển thị trường các-bon, đảm bảo thực hiện NDC, hài hoà lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp, người dân và các đối tác tham gia, đồng thời cung cấp thông tin một cách chính xác, đầy đủ về thị trường các-bon và phương thức tạo tín chỉ các-bon để có thể giao dịch trên thị trường.

Với các cơ quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh chỉ đạo các đơn vị của Bộ cần bám sát quan điểm phải đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia khi xây dựng chính sách. Đồng thời, thực hiện đúng các yêu cầu từ Chỉ thị số 13/CT-TTg để nghiên cứu, thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ các-bon, quản lý các chương trình, dự án, hoạt động giảm phát thải khí nhà kính và tạo tín chỉ các-bon phục vụ triển khai thí điểm và phát triển thị trường các-bon trong nước. Song song với đó, Bộ trưởng yêu cầu cần chuẩn bị đầy đủ các tài liệu, nội dung và phối hợp với các cơ quan chuyên môn, để đẩy mạnh công tác truyền thông tới doanh nghiệp, địa phương và cả người dân để tất cả hiểu và nắm rõ về tình hình quản lý tín chỉ các-bon và phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị các đơn vị chuyên môn, Viện nghiên cứu trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường trao đổi, tham vấn với các chuyên gia, tổ chức quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, đồng thời xây dựng chính sách, trong đó có các quy định về tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi tín chỉ các-bon trong và ra nước ngoài đảm bảo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.

Ngoài ra, bên cạnh việc xây dựng chính sách, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng đề nghị các cơ quan chuyên môn sớm bắt tay vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu của nội dung này để chủ động nắm bắt các cơ hội của thế giới, đóng góp chung vào việc chuyển đổi số của ngành, của quốc gia.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh kỳ vọng, với sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương sẽ đóng góp chung vào việc thực hiện cam kết về giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

Theo Tạp chí Tài nguyên và Môi trường

Comments