Biến đổi khí hậu

Cơ hội tín chỉ các-bon từ việc trồng “Gỗ của các vị thần”

quanly
2023/08/02 - 7:29:54

Hiện nay, việc trồng rừng và phát triển rừng đang được Đảng, nhà nước, các địa phương và doanh nghiệp quan tâm. Không chỉ bảo vệ rừng, tạo cảnh quan và tăng khả năng hấp thụ các-bon từ cây xanh (có thể tạo tín chỉ cácbon), mà các hoạt động này còn gia tăng thêm kinh tế và sinh kế bền vững cho người dân. Đây cũng là chiến lược lâu dài mà Trung tâm Bảo vệ môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu đang hướng tới.

Trong những năm qua, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ, thời tiết diễn biến phức tạp, thiên tai xảy ra ngày càng khốc liệt và thường xuyên đã ảnh hưởng không nhỏ tới tài nguyên rừng và hoạt động lâm nghiệp, trồng rừng và phát triển rừng.

Độ che phủ của rừng nước ta giảm sút đến mức báo động. Những tổn thất về rừng là không thể bù đắp được và gây ra nhiều tổn thất lớn về kinh tế, về công ăn việc làm và phát triển đất nước bền vững.

Với những nỗ lực của Chính phủ, đặc biệt là tại Hội nghị COP26 vừa qua, Việt Nam đã cam kết thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, qua đó xây dựng và ban hành các chính sách khung chiến lược để hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải này. Một trong những giải pháp để giảm phát thải, trung hòa lượng cácbon thải ra môi trường đó là tăng khả năng hấp thụ CO2 từ rừng và cây xanh. Điều này yêu cầu cần sự bảo vệ và phát triển rừng từ Chính phủ và các địa phương và trên hết là có sự đoàn kết, chung sức của người dân cả nước nhằm phát triển đất nước theo hướng bền vững.

Từ những phân tích về vai trò của cây xanh trong bảo vệ môi trường cũng như xa hơn là phát triển bền vững cho thấy trồng và bảo vệ rừng đang trở thành một trong những nhiệm vụ cấp thiết. Đề án trồng mới 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra mục tiêu chiến lược đến năm 2025 cả nước sẽ trồng mới được 1 tỷ cây xanh và hơn thế tầm nhìn của CEPVN và các đối tác còn mong muốn xa hơn đó chính là phát triển sinh kế bền vững cho người dân, vì đây chính là lực lượng nòng cốt để bảo vệ, giữ rừng và phát triển rừng.

Hình ảnh: Chụp hình lưu niệm với các sản phẩm quý từ trầm hương

Theo ông Phạm Việt Biên Cương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu cho biết Đề án 1 tỷ cây xanh (690 triệu cây phân tán ở đô thị và nông thôn, 310 triệu cây ở rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng mới rừng sản xuất…) chính là một trong những tiền đề quan trọng để Việt Nam hướng đến phát triển bền vững, mang lại lợi ích môi trường và kinh tế, tạo nguồn tín chỉ các-bon dồi dào để tăng sinh kế cho người dân và giúp Việt Nam đóng góp vào mục tiêu NDC chung của quốc gia. 

Xét riêng về mặt kinh tế, 690 triệu cây xanh trồng phân tán tại khu vực đô thị và nông thôn, ngoài tác dụng cảnh quan, giải trí, các cây đa tác dụng còn cho sản phẩm là hoa, quả, thực phẩm dược liệu,… góp phần tạo thu nhập tăng thêm từ lâm sản ngoài gỗ phục vụ cho  tiêu dùng thông qua các mô hình nông lâm ngư kết hợp cho người dân tham gia trồng và bảo vệ cây xanh. Theo ước tính chỉ riêng về tín chỉ các-bon rừng, việc trồng mới này sẽ hấp thụ khoảng 9 triệu tấn CO2 tương đương, tương ứng với giá trị 4,5 triệu USD.

Hình ảnh: Chia sẻ về hoạt động trồng cây Dó bầu – Trầm hương nhằm phát triển sinh kế bền vững, góp phần thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh – Vì một Việt Nam xanh

Ngoài ra, hiện nay có nhiều đơn vị tổ chức đang có những mô hình kết hợp trồng cây dược liệu, tạo ra phong cách sống xanh, hòa mình với thiên nhiên. Theo chia sẻ của đại diện Công ty CP Trầm hương Sông Lam, đơn vị này đã xây dựng kế hoạch trong thời gian tới là sẽ cùng với các tổ chức, người dân tại các địa phương tạo ra các vùng trồng Dó bầu – Trầm hương “Gỗ của các vị thần” và kết hợp thêm hoạt động xây dựng cảnh quan du lịch sinh thái tại các vùng này. Đây là một hướng đi mới vừa góp phần cải thiện kinh tế của bà con địa phương, tạo công ăn việc làm, nâng cao chất lượng cộng đồng, vừa góp phần hoàn thiện lại rừng cây, qua đó chung tay nỗ lực thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh – Vì một Việt Nam xanh.

Comments